Hơn 1.800 tỷ đồng nạo vét, duy tu nhiều luồng hàng hải đón tàu biển lớn
Kế hoạch bảo trì công trình hàng hải năm 2024 với tổng ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng sẽ tiến hành duy tu, nạo vét loạt các luồng hàng hải nhằm đảm bảo đón các tàu biển trọng tải lớn cập cảng chuyên chở hàng hóa lưu thông…
Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình hàng hải năm 2024 với tổng ngân sách khoảng hơn 1.800 tỷ đồng nhằm đón tàu biển có trọng tải lớn.
Theo đó, có 2 đoạn luồng được thực hiện nạo vét duy tu và hoàn thành ngay trong năm 2024 gồm luồng Hải Phòng năm 2022-2025 (đoạn Kênh Hà Nam, Bạch Đằng) và luồng Rạch Giá.
Trong giai đoạn 2024-2025, có 12 tuyến luồng sẽ được nạo vét, duy tu bao gồm luồng Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện), luồng Hải Phòng (đoạn Sông Cấm, Kênh Cái Tráp), Hòn Gai-Cái Lân, Phà Rừng, Cửa Hội-Bến Thủy (đoạn Cửa Hội), Cửa Việt, Cửa Gianh, Soài Rạp, Sài Gòn-Vũng Tàu, luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, Phan Thiết, Ba Ngòi.
Bên cạnh đó, một số tuyến luồng hàng hải tiếp tục được thực hiện trong năm 2023-2024 gồm luồng Hải Phòng năm 2023 (đoạn Lạch Huyện) kinh phí năm 2024 khoảng 342,9 tỷ đồng; Diêm Điền (kinh phí năm 2024 khoảng 45,9 tỷ đồng); Hải Thịnh (kinh phí năm 2024 khoảng 15,3 tỷ đồng); Cửa Lò (kinh phí năm 2024 khoảng 48,2 tỷ đồng); Hòn La (kinh phí năm 2024 khoảng 17,5 tỷ đồng); Thuận An (kinh phí năm 2024 khoảng 12,6 tỷ đồng); Đà Nẵng (kinh phí năm 2024 là 36 tỷ đồng).
Ngoài ra, một số luồng hàng hải tiếp tục được nạo vét duy tu gồm Sa Kỳ (kinh phí năm 2024 khoảng 13,9 tỷ đồng); Soài Rạp (kinh phí năm 2024 khoảng 425 tỷ đồng); Sài Gòn-Vũng Tàu (kinh phí năm 2024 khoảng 227,1 tỷ đồng) và luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu (kinh phí năm 2024 khoảng 528,7 tỷ đồng); Dự án nạo vét duy tu tuyến luồng Sài Gòn-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2024 cũng được tiếp tục thực hiện với kinh phí đầu tư năm 2024 là hơn 20,5 tỷ đồng.
Để đảm bảo kế hoạch được thực hiện hiệu quả, Cục Hàng hải Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư với các công trình thuộc kế hoạch được phê duyệt.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng được yêu cầu lập và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tiến độ chi tiết triển khai kế hoạch bảo trì công trình hàng hải năm 2024 làm căn cứ kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện kế hoạch theo quy định.
Song song đó, Cục tiếp tục phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện kế hoạch, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát việc đổ thải chất nạo vét, khảo sát đo đạc độ sâu trong quá trình thực hiện các công trình theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo bộ trong quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch kịp thời, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào giữa tháng 10/2023 Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc cho biết Liên danh Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Long Hải-Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cơ giới Mỹ Dung đã trúng Gói thầu số 6 thi công nạo vét và vận chuyển chất nạo vét đi đổ thuộc Dự án Công trình Nạo vét Duy tu Luồng Hàng hải Hải Phòng năm 2022-2023 (đoạn Lạch Huyện); Giá trúng thầu là gần 244 tỷ đồng.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam dự án sẽ nạo vét xuống độ sâu thiết kế -13,3m và bắt đầu nạo vét từ khu vực bến 1, 2 Cảng Container Quốc tế Hải Phòng (HICT) đến khu vực phao số 0. Tổng khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 2 triệu m3 và được cấp phép nhận chìm ngoài biển.
Được biết, cảng biển Hải Phòng thường xuyên đón các tàu trọng tải lớn. Do đó, để đảm bảo an toàn, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với hoa tiêu, doanh nghiệp cảng thực hiện nhiều giải pháp như thường xuyên nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, lối vào, vũng quay trở, khu nước trước cầu cảng đảm bảo duy trì độ sâu theo thiết kế để các tàu thuyền hành trình, neo đậu an toàn.
Đồng thời, sử dụng hệ thống VTS (quản lý giao thông tàu biển) để giám sát, điều tiết các tàu thuyền; chỉ cho phép các tàu có trọng tải, chiều dài, mớn nước phù hợp vào, rời cảng; lựa chọn thời điểm nước thủy triều lớn, tốc độ dòng chảy thấp, tốc độ gió nhỏ để lập kế hoạch cho tàu vào, rời cảng.