Huy động hàng triệu USD, kỳ vọng kỳ lân và giải thể: Startup Việt đang đối diện những khó khăn gì?

Bảo Bình
Chia sẻ

Trong thời gian gần đây, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã chứng kiến một số startup phải dừng hoạt động do gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển kinh doanh...

Giấc mơ vươn ra toàn cầu của startup Việt đối mặt nhiều thách thức. Ảnh minh họa
Giấc mơ vươn ra toàn cầu của startup Việt đối mặt nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Ngay trong thời điểm đón chào năm mới, giới công nghệ và startup Việt Nam đã đón nhận thông tin về Telio, một trong những startup thương mại điện tử B2B hàng đầu tại Việt Nam, chính thức giải thể. Câu chuyện đã thu hút sự chú ý và bình luận của nhiều người về Telio và những khó khăn, khắc nghiệt của chặng đường khởi nghiệp.

TỪNG HUY ĐỘNG HƠN 1.600 TỶ ĐỒNG, STARTUP TELIO ĐÃ GIẢI THỂ

Được biết, nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong của Telio đã xác nhận công ty ngừng hoạt động từ cuối tháng 11/2024 và hoàn tất quá trình giải thể pháp nhân vào tháng 12/2024, sau nhiều năm hoạt động không có lợi nhuận, chấm dứt giấc mơ số hóa thị trường bán lẻ truyền thống.

Quyết định này được đưa ra sau khi Telio không thể huy động thêm vốn hoặc tìm được đối tác mua lại, khiến hơn 400 nhân viên mất việc, bao gồm cả đội ngũ công nghệ tại Ấn Độ.

Telio từng là niềm hy vọng lớn của hệ sinh thái startup Việt. Ra đời năm 2019, Telio đặt tham vọng trở thành nền tảng kết nối tiệm tạp hóa với các thương hiệu và nhà cung cấp, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả hoạt động bán lẻ. Mô hình của Telio từng được đánh giá là một trong những bước tiến tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B tại Việt Nam.

Startup này đã thành công huy động khoảng 65 triệu USD (hơn 1.600 tỷ đồng) từ các quỹ đầu tư lớn như Tiger Global, Granite Oak, Peak XV và đặc biệt là VNG, công ty đã đầu tư hơn 510 tỷ đồng vào Telio vào năm 2021. 

Telio từng là niềm hy vọng lớn của hệ sinh thái startup Việt
Telio từng là niềm hy vọng lớn của hệ sinh thái startup Việt

Về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Telio, nhiều người cho rằng dù có lợi thế về vốn đầu tư, Telio lại mở rộng quá nhanh trong giai đoạn đầu mà không đảm bảo hiệu suất tài chính bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống thương mại điện tử B2B tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, bao gồm biên lợi nhuận thấp, chi phí vận hành cao và hành vi tiêu dùng chưa thay đổi nhanh như kỳ vọng.

Không thể huy động thêm vốn giữa bối cảnh thị trường đầu tư mạo hiểm suy giảm, Telio buộc phải đóng cửa, để lại một bài học quan trọng cho các startup cùng lĩnh vực.

PHÁT TRIỂN NHANH, KỲ VỌNG KỲ LÂN VÀ PHÁ SẢN

Không chỉ Telio, hồi năm 2022, Propzy, một startup công nghệ bất động sản (proptech) tại Việt Nam, cũng đã phải chính thức ngừng hoạt động. Được thành lập vào năm 2015 bởi ông John Lê, Propzy từng được kỳ vọng trở thành "kỳ lân" trong lĩnh vực proptech. Công ty đã huy động được tổng cộng 37 triệu USD từ các quỹ đầu tư danh tiếng như Gaw Capital Partners và SoftBank Ventures Asia. 

Tuy nhiên, Propzy đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Ban đầu, công ty tập trung vào việc giải quyết vấn đề mua nhà cho người dùng, nhưng sau khi nhận được vốn đầu tư, Propzy mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như thị trường sơ cấp, thứ cấp và quản lý bất động sản. Việc mở rộng này không mang lại hiệu quả như mong đợi, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 kéo dài và tình hình tài chính toàn cầu bất ổn. Những yếu tố này đã dẫn đến việc Propzy phải đối mặt với những khoản lỗ lớn và cuối cùng quyết định ngừng hoạt động. 

Trước khi đóng cửa, Propzy đã thực hiện tái cơ cấu bằng cách cắt giảm hơn 50% nhân sự vào tháng 9/2021 và giải thể Công ty TNHH Dịch vụ Propzy Việt Nam vào tháng 5/2022. Dù đã nỗ lực thay đổi mô hình kinh doanh và tìm kiếm thêm nguồn vốn, công ty vẫn không thể vượt qua những thách thức và buộc phải ngừng hoạt động. 

Đầu năm 2022, We Escape, một startup chuyên về trò chơi nhập vai thực tế (escape room), cũng đã thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Được thành lập vào năm 2015 tại Hà Nội bởi bốn chàng trai chuyên toán, We Escape nhanh chóng mở rộng và trở thành hệ thống escape game lớn nhất Việt Nam với 8 cơ sở vào năm 2021. Năm 2018, công ty thu hút sự chú ý khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam và nhận được khoản đầu tư 30 tỷ đồng từ Shark Thủy, vượt xa con số cam kết ban đầu là 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần. 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho We Escape. Mặc dù nỗ lực thử nghiệm các sản phẩm mới và cắt giảm chi phí, công ty vẫn không thể vượt qua được những thách thức do dịch bệnh mang lại. Ngoài ra, chi phí mặt bằng lớn và việc phải đóng cửa các cơ sở trong thời gian dài đã khiến công ty không thể duy trì hoạt động.

TỶ LỆ THẤT BẠI CỦA CÁC DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP "KHÔNG HỀ NHỎ" 

Thất bại của We Escape, Propzy và Telio phản ánh những thách thức lớn mà các startup phải đối mặt, bất kể ngành nghề hay lĩnh vực hoạt động. Từ giãn cách xã hội do đại dịch, biến động kinh tế toàn cầu, đến mô hình kinh doanh thiếu bền vững, đều có thể trở thành rào cản khiến doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tồn tại lâu dài. 

Propzy từng được kỳ vọng trở thành "kỳ lân" trong lĩnh vực proptech
Propzy từng được kỳ vọng trở thành "kỳ lân" trong lĩnh vực proptech

Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard đã cho thấy tỷ lệ thất bại của các dự án khởi nghiệp có thể lên đến 75%. Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại có thể bao gồm các lý do như không đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều startup phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mà không có nhu cầu thực tế từ khách hàng. Thứ hai, quản lý tài chính kém, thiếu vốn hoặc quản lý tài chính không hiệu quả sẽ dẫn đến việc không thể duy trì hoạt động. Thứ ba là chiến lược kinh doanh không phù hợp, không rõ ràng hoặc không thích ứng với thay đổi của thị trường.

Tại sự kiện về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, ông Phạm Anh Cường, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital, đã cho biết hiện có rất nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại của các dự án này không hề nhỏ. Theo phân tích, đánh giá và lý giải của ông Phạm Anh Cường, có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các startup, trong đó nổi bật nhất là vấn đề tài chính khi 38% startup rơi vào tình trạng cạn kiệt vốn hoặc không thể huy động thêm nguồn đầu tư. 35% startup thất bại vì sản phẩm không có nhu cầu thực tế từ thị trường, khiến doanh thu không đủ để duy trì hoạt động.

Ngoài ra, 20% startup gặp khó khăn do quy mô vận hành vượt quá khả năng quản lý của doanh nghiệp, trong khi 19% thất bại vì mô hình kinh doanh sai lầm, không thể thích nghi với thị trường. 18% bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các quy định pháp lý, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. 15% gặp vấn đề về chi phí vận hành và giá cả, không đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, 14% startup thất bại do mâu thuẫn trong nội bộ đội ngũ, khiến doanh nghiệp thiếu sự gắn kết. 10% không thể thành công vì sản phẩm bị sử dụng sai mục đích, không đáp ứng đúng nhu cầu ban đầu của khách hàng. Cuối cùng, 8% startup thất bại do sản phẩm có chất lượng kém, không đủ sức cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường.

Trở lại với câu chuyện giải thể gần đây của các startup Telio hay We Escape, Propzy, có thể thấy mặc dù mỗi startup có những lý do riêng dẫn đến thất bại, nhưng một số điểm chung lớn là mở rộng quá nhanh mà không đảm bảo khả năng sinh lời, chiến lược tài chính không phù hợp hay chưa có chiến lược hoạt động trong bối cảnh biến động thị trường, dịch bệnh…

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con