Kênh đào Suez hết tắc, hơn 400 tàu ùn ứ chờ đi
Nhà chức trách ước tính sẽ mất khoảng 3 ngày rưỡi để di chuyển hết 422 con tàu phải chờ ở hai đầu kênh
Giao thông đã được nối lại trên kênh đào Suez ở Ai Cập vào cuối ngày thứ Hai (29/3) theo giờ địa phương, sau cuộc giải cứu thành công con tàu chở hàng Ever Given bị mắc cạn suốt gần 1 tuần qua. Tuy nhiên, hàng trăm tàu bè khác đang ùn ứ ở hai đầu con kênh, chờ đến lượt để đi qua.
Với con tàu dài 400 mét đã di chuyển khỏi vị trí bị kẹt, dự kiến đến sáng sớm ngày thứ Ba, sẽ có tất cả 113 tàu khác đi qua kênh Suez theo cả hai hướng - hãng tin Reuters dẫn lời ông Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA).
Ông Rabie nói rằng sẽ mất khoảng 3 ngày rưỡi để di chuyển hết 422 con tàu phải chờ ở hai đầu kênh trong thời gian tắc nghẽn.
Do sóng lớn hôm 23/3, tàu Ever Given của Đài Loan đi bị xoay ngang và mắc kẹt vào hai bờ kênh trong lúc đang đi qua kênh đào Suez - tuyến đường vận tải biển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Sau gần 1 tuần, nỗ lực giải cứu với sự tham gia của hàng chục tàu kéo và tàu nạo vét cuối cùng đã thành công vào ngày 29/3.
Evergreen Line, hãng vận hành tàu Ever Given, cho biết con tàu sẽ được kiểm tra để xác định có còn phù hợp để đi biển hay không. Cuộc kiểm tra sẽ diễn ra ở Great Bitter Lake - hồ tự nhiên chia kênh đào Suez làm hai phần.
"Sau một cuộc kiểm tra ban đầu, con tàu đã di chuyển với tốc độ hạn chế và không một thùng hàng nào bị hư hại. Tuy nhiên, vẫn cần một cuộc kiểm tra thứ hai để cho kết quả chính xác hơn về mức độ ảnh hưởng của sự cố", ông Rabie nói.
Ông Peter Berdowski, Giám đốc Smit Salvage - công ty chịu trách nhiệm chính trong chiến dịch giải cứu tàu Ever Given - nói rằng đơn vị này đã chịu áp lực rất lớn về mặt thời gian. "Sức ép thời gian trong việc hoàn thành cuộc giải cứu là rõ ràng và chưa từng có tiền lệ", ông nói.
Smit cho biết hoảng 30.000 mét khối cát đã được hút để đưa con tàu container với tải trọng 224.000 tấn nổi trở lại. 13 tàu kéo được huy động để kéo con tàu về đúng vị trí có thể di chuyển. Rất may là sự cố không gây ô nhiễm hay thiệt hại gì về người và hàng hóa.
Trong số tàu đang chờ để đi qua kênh đào Suez có hàng chục tàu container, tàu chở hàng khô rời, tàu chờ dầu, tàu chở khí hóa lỏng… Ông Rabie cho biết trong vòng 4 ngày, giao thông trên con kênh này sẽ trở lại bình thường.
"Chúng tôi sẽ làm việc cả ngày lẫn đêm để giải quyết tình trạng ùn ứ", ông Rabie nói. Ông cũng cho biết những tàu có kích thước tương tự như Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới - vẫn có thể đi qua kênh đào Suez một cách an toàn và SCA sẽ không thay đổi chính sách cho những con tàu như vậy vào kênh.
Hãng tàu Maersk cho biết những gián đoạn mà sự cố ở Suez gây ra đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu có thể sẽ mất vài tuần, thậm chí vài tháng, để khắc phục.
Nguồn tin trong ngành nói rằng các chủ tàu thiệt hại ít nhất 24 triệu USD trong vụ tắc nghẽn này do không được các công ty bảo hiểm chi trả. Chủ hàng cũng phải gánh những thiệt hại không thuộc diện bảo hiểm. Đối với Ai Cập, kênh đào Suez là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng và theo ước tính, sự cố đã khiến nước này mất 15 triệu USD/ngày.
Cước vận tải của tàu chở dầu đã tăng gần gấp đôi kể từ khi tàu Ever Given bị mắc kẹt và sự cố này cũng gây đảo lộn các chuỗi cung ứng toàn cầu, có nguy cơ dẫn tới những sự trì hoãn tốn kém trong lúc các công ty trên thế giới đối mặt hạn chế liên quan đến Covid-19.
Maersk và nhiều hãng vẫn tải biển khác đã phải chuyển hướng tàu đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến hành trình kéo dài thêm 2-3 tuần và tiêu tốn thêm nhiều chi phí xăng dầu.