Khắc phục khó khăn để phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng nhẹ trong tháng 10
Sản xuất công nghiệp tháng 10/2022 tiếp tục phục hồi, ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất…
Theo số liệu báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/10, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2022 tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,7%; ngành khai khoáng tăng 6,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,7% .
Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%).
Đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành, chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%), đóng góp 7,4 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong 10 tháng qua, một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Đồ uống tăng 31,5%; sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,8%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 10,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,7%.
Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm là kim loại giảm 1,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Bia tăng 34,7%; thủy hải sản chế biến tăng 19,1%; linh kiện điện thoại tăng 16,5%; ô tô tăng 16,4%; thép thanh, thép góc tăng 15,2%; sơn hóa học tăng 11,1%; quần áo mặc thường tăng 10,7%.
Tuy nhiên vẫn có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: Dầu mỏ thô khai thác giảm 1,2%; ti vi giảm 1,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 1,5%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 2,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 3,8%; điện thoại di động giảm 5,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 5,9%; sắt, thép thô giảm 15,3%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2022 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 6,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 4,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1% và tăng 13,2%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,5% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,9% và tăng 10,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 3,6%.