Khó xác định khách hàng "có khả năng phục hồi" làm chậm tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ…
Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đến nay không đạt như kỳ vọng.
VƯỚNG MẮC TỪ NHIỀU PHÍA
Kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước về những vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, các đại biểu Quốc hội chỉ ra 2 vấn đề nổi cộm.
Thứ nhất, trên thực tế nhiều khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp có tiền gửi tại ngân hàng thương mại nếu vay hỗ trợ lãi suất có thể sẽ bị đánh giá trục lợi chính sách trong quá trình thanh, kiểm tra, kiểm toán. Ngoài ra, nhiều khách hàng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất vì không có đăng ký hộ kinh doanh, việc các ngân hàng đánh giá “có khả năng phục hồi” dẫn tới khách hàng khó tiếp cận chính sách, đã được hỗ trợ lãi suất khác nhưng đang quá hạn….
Qua khảo sát và báo cáo của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại e ngại bởi khách hàng khó xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau nhưng khó bóc tách mục đích của khoản vay được hỗ trợ lãi suất và không được hỗ trợ lãi suất.
Ví dụ như vay thu mua nguyên vật liệu đầu vào để vừa chế biến - thuộc ngành công nghiệp chế biến được hỗ trợ lãi suất, vừa kinh doanh thương mại - thuộc ngành bán buôn bán lẻ không được hỗ trợ lãi suất. Việc bản thân khách hàng không muốn tham gia nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất do sợ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; ngân hàng và khách hàng đều khó đánh giá, xác định “khả năng phục hồi”. Đó là những lý do dẫn đến chính sách không đi vào cuộc sống.
Bởi vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển khôi phục kinh tế sau đại dịch.
Trả lời cử tri, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây là một chính sách mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương nhưng kết quả còn thấp, chưa được như kỳ vọng. Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân do bối cảnh kinh tế đã khác so với khi đề xuất xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tâm lý e ngại của khách hàng và ngân hàng thương mại đối với các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này; e ngại khi đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.
Qua khảo sát và báo cáo của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, trong số khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.
GỠ ĐIỂM NGHẼN CƠ CHẾ
Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định đánh giá khách hàng “có khả năng phục hồi” nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 và xin ý kiến các Bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ngày 10/2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình Chính phủ, báo cáo Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi.
Ngày 29/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng và đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề...), giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại. Kịp thời nắm bắt các thông tin, phản ánh, khó khăn, vướng mắc (từ khách hàng, các hiệp hội, các cơ quan…) trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để kịp thời xử lý, tháo gỡ; báo cáo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, Công văn số 6221/NHNN-TD ngày 06/9/2022 về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và tại các Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất của ngành Ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục phối hợp các sở, ngành, hiệp hội địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về chính sách; đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách.
Tiếp tục theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, Công văn số 6221/NHNN-TD ngày 06/9/2022 về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và tại các Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất của ngành ngân hàng.