Không có độ trễ, “trợ lý thông tin kinh tế” Askonomy mang đến cách đọc báo hoàn toàn mới
“Chúng ta đang phát triển một sản phẩm báo chí hoàn toàn mới, thực sự đột phá trong ngành truyền thông. Từ đọc báo giấy, đến báo mạng và đọc trên smartphone, với Askonomy, người đọc tham gia vào cuộc trò chuyện, trao đổi và lấy đúng thông tin họ cần"…
Chatbot AI Askonomy hay còn gọi là "Trợ lý thông tin kinh tế" Askonomy đã ra mắt phiên bản mới tại Hội Báo toàn quốc 2024. Askonomy do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng với đối tác Actable AI phát triển.
Bảo mật và tính chuẩn xác của nguồn cấp dữ liệu là những mối quan ngại lớn của không ít tổ chức khi nói đến chatbot AI. Ông Trần Hoài Văn, COO Actable AI, đối tác phát triển Askonomy, đã chia sẻ về cách Askonomy giải quyết vấn đề này như thế nào, thông qua cuộc trò chuyện, chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.
THỊ TRƯỜNG CHATBOT AI CỦA VIỆT NAM KHÔNG CÓ ĐỘ TRỄ SO VỚI THẾ GIỚI
Trước hết, ông đánh giá như thế nào về thị trường chatbot AI trên thế giới và tại Việt Nam?
Phải nói như thế này, ở góc độ công nghệ, chatbot đã được hình thành từ giai đoạn đầu của máy tính, khi máy tính có khả năng tương tác và hỗ trợ người dùng. Tuy nhiên, gần đây, quan niệm về chatbot đã thay đổi. Theo đó, chatbot là công cụ mà người dùng sử dụng để nhận thông tin qua trò chuyện văn bản (chat). Và đến nay thì một thế hệ chatbot thứ hai đang xuất hiện, mà theo quan điểm của tôi, đó là những trợ lý ảo thông minh.
Theo đó, khả năng tương tác linh hoạt của chatbot với con người ngày càng được cải thiện. Mặc dù vẫn còn hạn chế, nhưng chatbot ngày nay đã có “tính con người” hơn rất nhiều. Từ góc độ kỹ thuật và chuyên môn, chúng ta thấy rằng chatbot đã trải qua một quá trình phát triển từ những mô hình truyền thống, sử dụng kịch bản và giao tiếp cứng nhắc, đến những mô hình ngôn ngữ lớn, có khả năng chọn từ và hình ảnh một cách linh hoạt hơn. Hiện tại, chatbot đã trở nên thông minh hơn, và được gọi là trợ lý ảo, với mô hình ngôn ngữ lớn LLM, có khả năng xử lý ngôn ngữ đa dạng.
Nhìn từ góc độ thị trường, chúng ta hãy đánh giá về mặt cung và cầu đối với chatbot. Giai đoạn ban đầu khi chatbot mới xuất hiện, người ta rất hứng thú và sử dụng nhiều. Tuy nhiên, sau đó, họ thấy rằng chatbot có nhiều hạn chế và không đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của họ, dẫn đến sự giảm sút trong việc sử dụng và thậm chí đôi khi quên lãng luôn về sự tồn tại của chatbot.
Tuy nhiên, ChatGPT ra đời đã mang lại sự độc đáo và bất ngờ. Với mô hình ngôn ngữ lớn này, nhu cầu sử dụng chatbot trở lại dưới dạng một trào lưu cực kỳ hấp dẫn và mọi người đều cảm nhận được điều này. Có cầu ắt sẽ có cung, cầu nhiều thì cung cũng nhiều, cầu đa dạng bao nhiêu thì cung cũng đa dạng bấy nhiêu.
Nhìn từ góc độ thị trường trong nước và quốc tế, tôi cho rằng có nhiều điểm tương đồng. Mặc dù Việt Nam có thể có đôi chút độ trễ so với quốc tế, nhưng hiện nay, với mạng Internet, trong một thế giới phẳng, việc một sản phẩm, công nghệ xâm nhập vào một quốc gia đã trở nên đơn giản, đặc biệt là đối với Việt Nam, nơi mà tốc độ phát triển Internet được đánh giá là rất hấp dẫn.
Theo ông, Việt Nam nên phát triển chatbot nhắm đến đối tượng người dùng quy mô lớn hay chỉ nên tập trung vào những sản phẩm chuyên biệt?
Việc quyết định nên phát triển chatbot theo quy mô nào hãy nên để thị trường quyết định. Theo quan điểm của tôi, hiện nay chatbot có thể phục vụ rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống, có những khía cạnh chỉ phục vụ một lượng người dùng nhỏ, nhưng cũng sẽ có cả nhu cầu lớn của cả xã hội. Và chúng ta có thể chia thành hai mô hình, "2C" và "2B", cả hai đều có cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Trong khi "2B" tập trung vào các lĩnh vực chuyên ngành và ngách hơn, "2C" hướng đến sự phổ cập cho mọi người, nhưng mỗi vùng, tỉnh lại có đặc thù riêng, đòi hỏi xử lý dữ liệu và thông tin khác nhau. Vì vậy, cơ hội đầu tư và phát triển ứng dụng của cả hai mô hình ở Việt Nam vẫn rất rộng lớn, phục vụ cả thị trường ngách và thị trường đại chúng.
ASKONOMY ĐẢM BẢO TÍNH BẢO MẬT VÀ KẾT QUẢ ĐẦU RA NHỜ NGUỒN DỮ LIỆU TIN CẬY
Vâng, như ông nói thì các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội tham gia thị trường chatbot. Vậy còn thách thức thì sao, họ sẽ đối mặt với những rào cản nào trong kinh doanh chatbot?
Về mặt cung, tôi tin chắc rằng sẽ có rất nhiều nguồn cung, nghĩa là có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào thị trường, vì hiện nay, cầu đang bùng nổ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tôi nhận thấy có hai hạn chế chính. Thứ nhất là về dữ liệu, và thứ hai là về nguồn đầu tư. Để chatbot phát triển và trở nên thân thiện với con người, có khả năng trả lời chính xác và mang lại giá trị thông tin tốt, trước hết, nó cần dữ liệu chính xác và được cập nhật. Thậm chí, dữ liệu này cần được thiết kế để đáp ứng nhu cầu đầu ra vào một cách tốt nhất.
Về dữ liệu, đến thời điểm này ở Việt Nam, đối với các doanh nghiệp và rộng ra là tình hình chung của cả nước, dữ liệu đang là một vấn đề lớn. Dữ liệu đang bị phân mảnh và chưa thực sự “sạch”, điều này tạo ra rào cản cho việc phát triển chatbot.
Rào cản thứ hai là chi phí đầu tư và duy trì một mô hình ngôn ngữ hiệu quả. Ngoài ra, các chi phí về hạ tầng, nhân sự, xây dựng và duy trì, huấn luyện đều có thể là gánh nặng đối với các tổ chức, doanh nghiệp, kể cả đối với nhà nước. Thậm chí, các mô hình chatbot lớn trên thế giới cũng đòi hỏi hàng tỷ đô la để triển khai.
Tuy nhiên, chi phí có thể không là mối quan ngại quá lớn. Bởi vì phát triển một mô hình ngôn ngữ tương tự như ChatGPT và cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT có thể đặt ra nhiều yêu cầu về nguồn lực tài chính, nhưng áp lực chi phí sẽ giảm đi rất nhiều khi doanh nghiệp phát triển chatbot tập trung vào việc phổ cập và phục vụ nhu cầu trong nước, chủ yếu là bằng tiếng Việt và đi từng bước.
Hơn nữa, thị trường vốn đầu tư có phạm vi toàn cầu. Vì thế, điều quan trọng là doanh nghiệp có một mô hình kinh doanh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và có khả năng thâm nhập vào các thị trường mới. Khi đó, nguồn vốn đầu tư sẽ không còn là vấn đề quá lớn.
Ông có ý kiến gì về vấn đề bảo mật của các chatbot AI?
Tôi không phải là chuyên gia về bảo mật, nhưng có thể thấy rằng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vấn đề bảo mật như một dạng tri thức mới, mới với cả thế giới. Nghĩa là ngoài câu chuyện AI là một cỗ máy công nghệ thông tin, nó đòi hỏi các biện pháp bảo mật truyền thống, thì AI còn đặc biệt liên quan đến dữ liệu đầu vào, quá trình huấn luyện, đào tạo dữ liệu đầu vào đó cho mô hình.
Trong quá trình này, có nhiều vấn đề về bảo mật có thể phát sinh, gây ra sai lệch trong kết quả đầu ra của AI. Hacker cũng có thể can thiệp vào dữ liệu, ảnh hưởng đến tính chính xác của AI. Đây là một nguy cơ bảo mật đặc thù của các trợ lý ảo AI. Do đó, kết quả đầu ra có thể vi phạm 2 lỗ hổng mà chúng ta rất quan ngại. Đó là vi phạm về chuẩn mực đạo đức và vi phạm về mặt pháp luật.
Ngoài ra, một khía cạnh quan trọng của AI là dữ liệu đầu vào của mô hình, thường là các đoạn văn bản hoặc yêu cầu từ người dùng dưới dạng chat hoặc giọng nói. Tính chất đặc thù của ngôn ngữ trong đầu vào này khiến quá trình ghép nối với hệ thống dữ liệu và mô hình trở nên đặc biệt, có thể gây ra lỗ hổng bảo mật hoặc sai thông tin. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự chuyên sâu trong lĩnh vực bảo mật AI, để đảm bảo rằng các câu hỏi và ý tưởng được đưa vào mô hình AI sẽ được xử lý chính xác và an toàn. Nếu quá trình này được thực hiện không chính xác, kết quả có thể bị sai lệch, dẫn đến việc câu trả lời từ AI cũng không chính xác.
Ông là COO của Actable AI, đơn vị đối tác sản xuất Askonomy, ông có thể chia sẻ cho độc giả VnEconomy về những giải pháp bảo mật của Askonomy?
Trong quá trình nghiên cứu và phát triển Askonomy, chúng tôi luôn nhấn mạnh vấn đề bảo mật, đặc biệt là tập trung sử dụng nguồn dữ liệu chuẩn và được xác nhận ngay từ đầu. Dữ liệu của Askonomy được lấy từ nguồn dữ liệu độc quyền của VnEconomy, cũng như từ các nguồn dữ liệu chính thống, được phép khai thác của các cơ quan chính phủ. Với các nguồn dữ liệu như vậy, chúng tôi tin rằng kết quả đầu ra của Askonomy rất đáng tin cậy.
Ngoài việc lấy dữ liệu chính xác và sạch từ các nguồn chất lượng, chúng tôi cũng chú trọng cập nhật dữ liệu thường xuyên. Điều này sẽ đảm bảo kết quả của Askonomy đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính mà chúng tôi quan tâm, đó là những đối tượng am hiểu về kinh tế và những người muốn tìm hiểu về các thông tin kinh tế, là các chuyên gia và doanh nhân. Những đối tượng người dùng này có kiến thức và kỹ năng đánh giá cao về số liệu và dữ liệu kinh tế, họ cũng đòi hỏi rất cao về tính chính xác và đầy đủ của nguồn dữ liệu, của thông tin trả lời đầu ra. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng sự chính xác và chất lượng của dữ liệu trên Askonomy sẽ từng bước đáp ứng được nhu cầu của họ. Đây cũng là một điểm mạnh của Askonomy.
TRỢ LÝ ẢO ASKONOMY MANG LẠI CÁCH ĐỌC BÁO HOÀN TOÀN MỚI
Như vậy có thể thấy rằng Askonomy đã giải quyết được một thách thức rất lớn về bảo mật, tính chính xác của thông tin, đây vốn là một hạn chế lớn của các chatbot AI, nhờ nguồn dữ liệu tin cậy và cập nhật thường xuyên. Askonomy là một “trợ lý thông tin kinh tế”, hướng đến một đối tượng người dùng chuyên biệt, vậy nói về khía cạnh kinh doanh, Actable AI có kế hoạch tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng sử dụng Askonomy như thế nào?
Ngoài những điểm mạnh của Askonomy như tôi đã nói ở trên, thì tôi có một góc nhìn khác nữa, đó là sự đột phá của chúng tôi trong thị trường báo chí. Trong quá khứ, người đọc thường chỉ đọc báo để lấy thông tin, nhưng với Askonomy, họ có thể tham gia vào cuộc trò chuyện, trao đổi và lấy thông tin một cách rất tự nhiên và đó chính là những thông tin rất sát với nhu cầu của họ. Điều này giúp họ tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Góc nhìn của tôi cho thấy rằng chúng ta đang phát triển một sản phẩm báo chí hoàn toàn mới, thực sự là một đột phá trong ngành truyền thông. Sự khác biệt này chính là một chất liệu truyền thông tự nhiên và hấp dẫn, có khả năng lan truyền, viral rất tốt. Rõ ràng, từ việc đọc báo giấy, chuyển sang báo trực tuyến và đọc trên điện thoại di động, trải nghiệm đọc báo theo cách mới này với Askonomy sẽ thu hút đặc biệt đối với những thế hệ trẻ yêu thích cập nhật thông tin thị trường. Nếu chúng ta biết cách sử dụng sản phẩm này trong chiến lược truyền thông, tôi tin rằng đây sẽ là một cách tiếp cận thị trường cực kỳ hấp dẫn và hiệu quả.
Khía cạnh thứ hai là với một cơ quan báo chí uy tín như VnEconomy, tôi tin rằng VnEconomy đã có một lượng độc giả trung thành đáng kể. Chúng ta đưa Askonomy đến cho các độc giả trung thành này và để họ trải nghiệm sản phẩm mới sẽ giúp mở rộng thị trường. Tôi tin rằng VnEconomy và nhóm phát triển sẽ tìm ra các phương án tiếp cận khách hàng một cách chính xác và nhanh chóng hơn cho Askonomy và VnEconomy trong giai đoạn mới. Mục tiêu là tạo ra sự trung thành, mở rộng và đảm bảo chất lượng, điều mà nhiều tổ chức báo chí khác cũng mong muốn.
Như vậy, tôi hiểu sử dụng Askonomy giống như một phương thức đọc báo mới, một phương thức đọc báo chủ động hơn cho người đọc. Thay vì chỉ đọc theo cách truyền thống từ trước đến nay, như báo giấy, báo trực tuyến, hoặc trên điện thoại di động, người đọc giờ đây có thể tự quyết định nội dung họ muốn đọc và tìm kiếm thông tin theo nhu cầu cụ thể của mình. Họ cũng có cơ hội tiếp cận với các bài viết liên quan và chi tiết hơn. Nghĩa là, họ đọc báo một cách chủ động chứ không chỉ dừng lại ở việc truy cập một trang báo online và đọc bài có sẵn. Tóm lại, người đọc sẽ có trải nghiệm đọc báo linh hoạt và phù hợp với nhu cầu cá nhân của họ, hiểu như vậy có đúng không, thưa ông?
Đúng vậy, việc đáp ứng nhu cầu của người dùng rất quan trọng, đặc biệt trong môi trường Internet hiện nay, nơi việc đọc thông tin luôn phải “nhanh và tiện”. Chính vì “nhanh và tiện” mà người ta vẫn hay nói chúng ta đang bị spam thông tin, khiến cho việc tìm kiếm những thông tin trở nên phức tạp. Nghĩa là chúng ta lên mạng Internet hay vào mạng xã hội, và bị lạc lối trong thông tin.
Với Askonomy, việc trò chuyện thay vì đọc bài báo là một giải pháp hiệu quả. Người dùng không cần phải đọc nhiều bài báo khác nhau như khi sử dụng công cụ tìm kiếm. Askonomy cung cấp thông tin tổng hợp nhanh chóng và chính xác thông qua các cuộc trò chuyện. Trong tương lai, Askonomy sẽ còn nâng cấp cuộc trò chuyện bằng cách cho phép người dùng trao đổi bằng giọng nói, tăng cường trải nghiệm, giúp người dùng nhận được thông tin theo yêu cầu một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Tôi tin rằng đây sẽ là một trải nghiệm thú vị trong thời gian tới.