Kiến tạo tương lai từ nền kinh tế tuần hoàn
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và quản lý chất thải hiệu quả đang được nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam quan tâm
Nền kinh tế tuần hoàn với quy trình sản xuất khép kín các sản phẩm được tái chế từ nguyên liệu đã sử dụng, hướng đến phát triển bền vững đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia và doanh nghiệp.
Trước thách thức tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và quản lý chất thải hiệu quả đang được quan tâm bởi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn: Xu thế tất yếu!
Tổ chức Liên hiệp Quốc dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Điều này vượt ngoài khả năng cung ứng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó châu Á là khu vực có nhu cầu gia tăng nguồn tài nguyên cho hoạt động phát triển kinh tế. Đây cũng là khu vực có nhiều quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề biến đổi khí hậu.
Để giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống, cần có giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trường hợp phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên thì phải tiết kiệm và hợp lý.
Việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng nguyên tắc "Tuần hoàn khép kín" thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu thô có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hoá giá trị.
Điển hình trong ngành bao bì, tập đoàn SCG đã nâng cấp tất cả các công nghệ sản xuất giấy với mục tiêu thay thế 100% nguyên liệu chính là bột giấy tự nhiên bằng giấy phế liệu, tạo ra thành phẩm giấy có chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, bùn thải từ sản xuất được sử dụng làm phân bón trồng cây bạch đàn – một nguyên liệu thô để sản xuất giấy. Điều này có nghĩa là chất thải đã được sử dụng tối đa để tạo nên giá trị trong sản xuất tại doanh nghiệp.
Hiện tập đoàn SCG đang thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với 3 chiến lược: Một là, giảm lượng vật liệu sử dụng. Hai là, nâng cấp và thay thế các sản phẩm, vật liệu thô bằng các giải pháp sử dụng ít nguyên liệu hoặc nguyên liệu thân thiện với môi trường hơn. Và cuối cùng là tái sử dụng và tái chế.
Cần sự hợp tác của các bên
Đề cập đến tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, VCCI hướng đến hỗ trợ người dân Việt Nam triển khai thực hiện mô hình Tuần hoàn khép kín vì một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá khoảng 4,5 nghìn tỷ USD do nền kinh tế Tuần hoàn khép kín mang lại cho toàn thế giới.
Việc thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn không chỉ dựa vào những nỗ lực của Chính phủ mà còn cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Từ phía chính phủ cần khuyến khích các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công chúng cũng cần phải nhận thức tầm quan trọng của việc tiêu dùng có trách nhiệm và hành động thông qua việc tái sử dụng hoặc tái chế rác thải.
Theo ông Peter Bakker, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh thế giới về phát triển bền vững, cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh phát triển toàn cầu và khu vực ASEAN cũng như các yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình này đó là công nghệ và đổi mới.
Ngoài ra cần có sự hợp tác, làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế. Phải có sự hợp tác giữa các bên chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học.
Trước đó, tại cuộc họp của Quỹ Bảo vệ Môi trường Toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cũng đã cam kết giảm tiêu thụ nhựa tại Việt Nam; thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực biển Đông Á, kêu gọi thúc đẩy hợp tác toàn cầu và khu vực chung tay cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, từ đó dẫn đến sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Đây chính là tương lai do chính chúng ta kiến tạo!