Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế tuần hoàn
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần xác định rõ ràng những lĩnh vực trọng tâm cần được chú trọng để thành công đạt được các mục tiêu của kinh tế tuần hoàn...
Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024) ngày 10/12 với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam- Từ Kế hoạch đến hành động”, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xác định và ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm trong phát triển kinh tế tuần hoàn để có thể được mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các chiến lược kinh tế tuần hoàn hiệu quả nhất.
ĐỒNG HÀNH HỢP TÁC XÂY DỰNG, THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN, BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM
Tại Hà Lan, phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những ưu tiên hàng đầu, với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh vào năm 2050. Quốc gia này cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong Liên minh Châu Âu trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, Hà Lan tái chế tới 80% lượng rác thải và mức tiêu thụ nguyên liệu thô của quốc gia này thấp hơn 20% so với mức trung bình của EU.
Về các biện pháp định hướng các nỗ lực kinh tế tuần hoàn, bà Fleur Gribnau, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cho biết quốc gia này đã triển khai một kế hoạch hành động toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch này bao gồm nhiều biện pháp quan trọng như xây dựng các khung pháp lý khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, đưa ra các ưu đãi thị trường, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo và chia sẻ tri thức; đồng thời ưu tiên hợp tác quốc tế về kinh tế tuần hoàn.
Trong khi đó, Việt Nam hiện cũng đang đẩy mạnh các mục tiêu về phát triển kinh tế tuần hoàn, và đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, định hướng rõ ràng và chỉ đạo thống nhất từ Đảng và Nhà nước thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đồng thời, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 2021- 2030, với tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những bước đi chiến lược nhằm hướng Việt Nam đến mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ cải thiện chất lượng môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thông qua những mục tiêu chung về phát triển kinh tế tuần hoàn giữa hai quốc gia, bà Fleur Gribnau cho rằng Việt Nam và Hà Lan có thể đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực hợp tác trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và tuần hoàn. Với những lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ xanh và phát triển các giải pháp tuần hoàn, Hà Lan mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các sáng kiến này.
“Hà Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Vì vậy, Hà Lan coi việc hợp tác với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là một phần không thể thiếu trong chiến lược thúc đẩy kinh tế tuần hoàn toàn cầu”, bà Fleur Gribnau nhấn mạnh.
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế không chỉ thúc đẩy các hoạt động về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam mà còn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách.
Theo ông Michael Siegner, Trưởng Đại diện, Tổ chức Hanns Seidel (HSF) tại Việt Nam, tổ chức này đã và đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong một thời gian dài như hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Bảo vệ môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn để có thể hình thành nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
“Hiện nay, khi Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn để làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam sau khi kế hoạch được phê duyệt”, ông Michael Siegner cho hay.
ƯU TIÊN CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN
Để phát triển kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần xác định rõ ràng những lĩnh vực trọng tâm cần được chú trọng. Trong đó, bà Fleur Gribnau nhấn mạnh ba lĩnh vực chính mà Việt Nam nên ưu tiên phát triển:
Thứ nhất là phát triển khu vực tư nhân, vì khu vực này đóng vai trò quyết định trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để triển khai các mô hình kinh doanh tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Do đó, việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển là rất quan trọng.
Thứ hai là tăng cường hợp tác công tư (PPP). Ví dụ, trong ngành nhựa, Việt Nam có thể thiết lập các mô hình PPP để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, một thách thức lớn hiện nay. Những quan hệ đối tác này sẽ không chỉ tạo điều kiện để hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), mà còn giúp lắng nghe và giải quyết những khó khăn mà họ đang gặp phải trong việc áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Cuối cùng, bà Fleur Gribnau đề cập đến tầm quan trọng của việc củng cố và cải thiện các vấn đề tài chính. Đây là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn.
Ví dụ về việc cải thiện các vấn đề tài chính, bà Fleur Gribnau chia sẻ Hà Lan đã triển khai Quỹ Đổi mới Kinh tế Tuần hoàn Hà Lan nhằm cung cấp nguồn vốn cho các dự án đổi mới trong lĩnh vực này. Quỹ này giúp lấp đầy khoảng trống tài chính và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp tuần hoàn hiệu quả, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Bổ sung thêm những biện pháp để tăng cường hiệu quả của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Michael Siegner đề xuất: Việt Nam cần thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân, đặc biệt là các startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn đang thiếu hụt các tài nguyên và mạng lưới để các startup và SMEs có thể mở rộng quy mô và nhân rộng các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Các startup tại Việt Nam hiện nay đang rất cần các nền tảng học hỏi lẫn nhau, bởi vì hiện nay có rất ít cơ hội để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các doanh nghiệp khác.
Do đó, ông Michael Siegner cho rằng việc thiết lập các nền tảng quốc gia và khu vực để giải quyết những nhu cầu này sẽ thúc đẩy hợp tác và nhân rộng các mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam. Các tổ chức tại Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và điều phối các nền tảng này, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các startup và SMEs để phát triển.
“Bằng cách giải quyết những thách thức này, chúng ta có thể khai thác tiềm năng để thúc đẩy hợp tác và đổi mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn khu vực ASEAN”, ông Michael Siegner nhấn mạnh.