Kinh tế tuần hoàn: Mấu chốt nằm ở hợp tác công - tư
Một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là vấn đề quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác
Trong bối cảnh tăng trưởng và công nghiệp hoá nhanh chóng đang để lại nhiều tác động tới môi trường và nguồn tài nguyên của Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đang nổi lên là một giải pháp bền vững và là một xu hướng trên thế giới.
Sáng nay (12/11), Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển".
Hợp tác công - tư là điều kiện then chốt
Hội thảo đã có các tham luận về chính sách và tầm nhìn của Việt Nam trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, các điển hình thành công tại Thụy Điển và trong khu vực, cũng như cách thức các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn khi thực hiện mô hình này.
Một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong việc áp dụng mô hình này đó là vấn đề quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác, được coi là nguyên liệu đầu vào trong mô hình kinh tế tuần hoàn. Chính vì thế, hội thảo cũng đã dành thời gian để xem xét thực tiễn việc quản lý rác tại Hà Nội, mô hình thu gom và tái chế rác tại Thụy Điển, và đặc biệt chia sẻ về những thách thức và cơ hội đối với các công ty tái chế rác ở Việt Nam.
"Sau một thời gian dài chỉ dựa vào các nguồn tài nguyên là chủ yếu, Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế. Nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiện tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Do vậy, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam hướng tới, lựa chọn vì mục tiêu phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết tại hội thảo.
Hội thảo nhấn mạnh việc hình thành quan hệ đối tác giữa khu vực công - tư là điều kiện then chốt để mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon có thể phát triển sâu rộng tại Việt Nam.
Đại sứ Thuỵ Điển Ann Måwe tại hội thảo - Ảnh: Đại sứ quán Thuỵ Điển.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Đại sứ Thuỵ Điển Ann Måwe nhấn mạnh: "Trong nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta coi mọi thứ đều là nguồn tài nguyên – rác cũng là tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Những doanh nghiệp đã triển khai mô hình này đang dần minh chứng cho hiệu quả chi phí của việc tái sử dụng tài nguyên so với khai thác mới từ đầu. Từ đó, cắt giảm chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành sản phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tôi mong rằng điều này sẽ tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam."
"Kinh tế tuần hoàn, hiểu theo cách đơn giản, có nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Điều này cũng có nghĩa là phương thức tiêu thụ cũng thay đổi và Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam", Đại sứ Måwe nhận định.
Không chỉ tái chế mà còn tính tới khí thải carbon trong sản xuất
Tại hội thảo, Tetra Pak, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển, đã chia sẻ hành trình tiến đến nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon của công ty. Gần đây, Tetra Pak đã bắt đầu thử nghiệm ống hút giấy dùng cho các sản phẩm đồ uống đóng hộp tại châu Âu, trở thành công ty cung cấp giải pháp đóng gói đầu tiên ra mắt ống hút giấy tại châu lục này.
"Chúng ta không nên xem các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu hay rác thải một cách riêng lẻ mà cần phải nhìn các vấn đề trong một tổng thể thống nhất. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần phải đạt được mô hình kinh tế tuần hoàn mở, trong đó không chỉ là vấn đề tái chế, tái sử dụng mà còn phải tính cả tác động của carbon trong nguyên liệu và sản xuất. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải có cái nhìn xa hơn là sản phẩm để giải quyết những tác động của việc kinh doanh", ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam, cho biết.
Tháng 6/2019, Tetra Pak đã hợp tác với 8 công ty hàng đầu khác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc đẩy mạnh quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm.
Tại Việt Nam, lượng rác thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển. Với 13 triệu tấn chất thải thải ra biển mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 5 châu Á về ô nhiễm chất thải nhựa đại dương, thải ra hơn 500.000 tấn ra đại dương mỗi năm.
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển bền vững trên thế giới hiện nay. Việc chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn có thể giúp các quốc gia ứng phó với sự cạn kiệt tài nguyên và tình trạng ô nhiễm môi trường.