Kinh tế Việt Nam: “Cầm cự chờ nguồn lực mới”

Thảo Nguyên
Chia sẻ

Ngân sách gia tăng thâm hụt, cả nợ xấu và nợ công đều đang “câu giờ” thì nền kinh tế tránh sao khỏi tình trạng cầm cự?

TS. Trịnh Quang Anh trình bày tham luận tại hội thảo về phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô, giai đoạn 2014-2015 - Ảnh: P. Thảo.<strong></strong>
TS. Trịnh Quang Anh trình bày tham luận tại hội thảo về phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô, giai đoạn 2014-2015 - Ảnh: P. Thảo.<strong></strong>
Ngân sách gia tăng thâm hụt, cả nợ xấu và nợ công đều đang “câu giờ” thì nền kinh tế tránh sao khỏi tình trạng cầm cự?

Đây là câu hỏi được TS. Trịnh Quang Anh - người từng công tác nhiều năm ở Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trước khi trở thành Kinh tế trưởng của Maritime Bank rồi Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam - đặt ra và cũng chính ông đã lần lượt trả lời trong cuộc trao đổi với VnEconomy, khi những ngày cuối cùng của 2013, một năm đầy cực nhọc của nền kinh tế, đang dần khép lại.

Thưa ông, đã mấy năm liền kinh tế Việt Nam ở tình trạng rất khó khăn. Chính phủ luôn đánh giá là tình hình kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam vẫn đang ở ngã ba đường, chưa thoát vòng luẩn quẩn… Còn tại một hội thảo về kinh tế vĩ mô rất gần đây, ông có nhấn mạnh thần thái của kinh tế Việt Nam hiện nay là “cầm cự chờ nguồn lực mới và động lực mới”. Hai chữ “cầm cự” ở đây có vẻ có khoảng cách khá xa với các nhận định nói trên?

Tôi nghĩ các vị đang có trách nhiệm quan trọng ở cơ quan điều hành hiểu thần thái của nền kinh tế hơn tôi rất nhiều, vì họ có đủ thông tin. Nhưng họ bao giờ cũng phát ngôn để tạo niềm tin, tạo kỳ vọng cho thị trường, kể cả lúc tình hình thực sự xấu thì họ vẫn phải cố gắng làm việc đó, vì họ là lãnh đạo.

Còn cá nhân tôi, với trải nghiệm từ công việc nghiên cứu kinh tế ngoài cơ quan nhà nước cũng đã khá lâu rồi, tôi thấy có đủ cơ sở để đưa ra nhận định đó.

Hẳn bạn cũng đã nghe các chuyên gia độc lập mổ xẻ nhiều rồi, đó là Việt Nam đã có giai đoạn quá tham vọng tăng trưởng mà sau này gọi là “tăng trưởng nóng”. Rồi khi gia nhập WTO chân đối ngoại chạy rất nhanh, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhiều kỳ vọng, họ đổ vốn vào nhưng điều hành kinh tế vĩ mô trong nước thiếu kiểm soát cần thiết nên tiền vốn quá dư thừa, chui vào bất động sản vào chứng khoán. Và khi “bong bóng” ở hai lĩnh vực đó xẹp vỡ thì lập tức nền kinh tế liêu xiêu, rồi phanh gấp, rồi đình trệ, rồi lại kích cầu, tóm lại là chính sách liên tục thay đổi, bất nhất và bối rối.

Chúng ta đã trả giá, đã tỉnh ra. Và từ đầu năm 2011 đến nay thông điệp luôn được nhắc đi nhắc lại là ổn định vĩ mô và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng như bạn cũng thấy rồi đấy, không ít chuyên gia hay đại biểu Quốc hội nhận xét là ngay từ cách tiếp cận tái cơ cấu nền kinh tế đã cho thấy rất bối rối . Còn Chính phủ cũng hơn một lần thể hiện tại các báo cáo chính thức là tái cơ cấu còn chậm chạp, có nguyên nhân từ lúng túng trong cải cách thể chế.

Nhưng đó là câu chuyện sẽ nói sau, trở lại trạng thái của nền kinh tế thì cái mà gần đây nói đến nhiều là “ổn định” thì theo tôi phải gọi chính xác là “cầm cự”.

Trạng thái này tôi nghĩ là giới lãnh đạo biết, giới chuyên gia cũng không lạ, chỉ có điều diễn đạt khác mà thôi.

Điều đó được thể hiện rõ qua hai “hàn thử biểu” là: (1) tình trạng ngân sách nhà nước và nợ công; (2) tình hình hoạt động và tài chính của hệ thống ngân hàng (cấn cá khi triển khai Thông tư 02 về phân loại tài sản có, trích lập và xử lý dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đồng thời chấm dứt Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ; bản chất cách xử lý nợ xấu qua VAMC; lãi thuần từ hoạt động tín dụng của toàn hệ thống sụt giảm...)

Nợ công thì tôi còn nhớ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người rất am hiểu về nền tài chính quốc gia - từng nói “mức nợ đang tiệm cận tới khả năng xấu”.

Còn hệ thống ngân hàng, nói đến ngân hàng là phải nói đến vai trò trung gian dẫn nguồn vốn nhàn rỗi của xã hội đến các địa chỉ sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nhưng hiện tại thay vì thực hiện chức năng chính yếu này thì lại thiên lệch sang kênh đầu tư trái phiếu Chính phủ, và giới tài chính vẫn ví ngân hàng hiện đang như là “Kho bạc Nhà nước thứ hai” cũng không phải là không có lý.

Mọi chủ thể kinh tế đều liên quan đến ngân hàng và ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp và cá nhân sản xuất kinh doanh không trả được nợ vay, cả lãi vay ngân hàng, không đóng được thuế cho Nhà nước thì có nghĩa là thực trạng nền kinh tế đang rất yếu, còn mọi con số tăng trưởng, cán cân thương mại, tỷ giá… suy cho cùng vẫn chỉ là bề ngoài. Vậy nên tôi vẫn cho rằng cái “ổn định vĩ mô” thực chất là cầm cự như một con bệnh nặng chờ được phẫu thuật.

Nhưng, muốn lên bàn mổ thì phải có thể lực nhất định, phải có hồi sức cấp cứu, truyền máu truyền đạm, truyền nước để xem có chịu được cuộc đại phẫu không? Vậy câu hỏi đặt ra là nguồn lực ở đâu, vẫn loay hoay chờ thu hút đầu tư, nhưng thực tế cho thấy nếu chỉ sống dựa vào ngoại lực thì sẽ phải trả giá. Còn nội lực thì cũng hết sức khó khăn do cơ hội cải cách thể chế toàn diện vẫn khá xa xăm mờ mịt.

Vậy theo dự báo của ông thì trạng thái cầm cự sẽ duy trì bao lâu nữa, trong năm 2014 thể trạng của “con bệnh” sẽ tốt lên hay yếu đi?

Dù gì thì cũng phải cố gắng nhìn triển vọng. Theo tôi biết thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang bắt đầu triển khai đề án cải cách thể chế kinh tế, dù kết quả cuối cùng chưa thể thực sự toàn diện và triệt để vì không thể vượt ra ngoài khuôn khổ hiến định của bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua. Nhưng dẫu thế thì có vẫn hơn không, nếu biết bệnh mà chọn thuốc (dù bị giới hạn) thì vẫn tốt hơn không làm gì nên triển vọng nền kinh tế cũng có thể sẽ tốt hơn.

Hai năm 2014 và 2015 chắc chắn sẽ nhanh qua và nền kinh tế không thể tiến triển nhanh được, vẫn ở trạng thái cầm cự chờ triển vọng kinh tế thế giới tốt lên và mình lên theo vì Việt Nam cũng hội nhập kinh tế khá sâu rộng rồi. Nếu kinh tế thế giới hồi phục tốt thì cũng không thể phủ nhận là mình không được hưởng lợi gì, nhưng thực tế không được nhiều như người ta nghĩ.

Gia nhập WTO là một minh chứng và tới đây kể cả TPP có thành công thì cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào đó, vì cái mất là rất lớn và khó nhìn thấy hơn cái được và thậm chí bù trừ giữa được và mất có khi mất nhiều hơn, tạm bỏ qua ý nghĩa sâu xa và dài hạn của nó.

Tại sao lại như vậy? Vì anh phải có thực lực thì khi có sức kéo bên ngoài anh mới vươn lên để tồn tại được. Điều đó hiện nay ở Việt Nam chỉ nhìn vào duy nhất khu vực tư nhân mới làm nổi vì người ta có động lực, họ biết đâu là cái lợi thế cạnh tranh của mình. Nhưng khu vực đó phải được khuyến khích phát triển đã. Trong khi đó cải cách thể chế để khu vực này phát triển thì không thể tính bằng tháng bằng năm được, không nhanh được như thế.

Bạn cứ thử hình dung là ban hành được được một luật mới thì mất bao nhiêu thời gian mà 2015 gần hết đến nơi rồi. Tóm lại là trông chờ vào ngoại lực thì rất chênh vênh, còn nội lực phải đo bằng đơn vị vài năm, nên thần thái nền kinh tế sẽ vẫn cầm cự thôi, ít nhất là ở vài năm tới.

Đúng là ban hành một đạo luật thì dù có theo quy trình rút gọn cũng khó có thể nhanh hơn một năm được. Nhưng trên nền thể chế hiện tại, cố gạn đục khơi trong thì theo ông đâu sẽ là điểm sáng hơn của bức tranh kinh tế 2014?

Đầu tư công chắc chắn được điều chỉnh tích cực, đành rằng số vốn hạn hẹp nhưng nếu được đầu tư vào các nút thắt của hạ tầng để tạo tác dụng lan tỏa thì cũng có thể kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn một chút. Rồi PPP dùng vốn mồi của nhà nước có thể kích hoạt, thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng cũng có thể là kỳ vọng thứ hai. Và cũng không thể phủ nhận hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang đến kỳ vọng thứ ba, vì rõ ràng vốn ngoại vẫn đổ vào và góp phần tạo nên sự khởi sắc cho nền kinh tế Việt Nam.

Dù thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch 5 năm nhưng các chỉ tiêu kinh tế cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ cũng đã được quyết định. Nhìn từ khu vực kinh tế tư nhân, ông có bình luận gì về các con số đó?


Tham dự nhiều diễn đàn kinh tế lớn, tôi cũng đồng cảm với không ít chuyên gia khi đòi hỏi phải có các con số thống kê chính xác hơn. Nếu nói trần trụi thì tăng trưởng GDP 5,42% của 2013 không phải là ai cũng tin đâu. Nhất là khi cách tính thay đổi theo giá so sánh năm 2010. Mà ai cũng biết 2010 là năm không bình thường của nền kinh tế nên sẽ không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Và như thế, kịch bản tiếp theo sẽ lại được xây dựng trên con số chưa đủ tin cậy.

Lạm phát thì có vẻ đáng tin cậy hơn, song khi tổng cầu đã hồi phục thì câu chuyện kiểm soát lạm phát khoảng 7% lại trở nên đáng ngại. Nói sòng phẳng là lực đỡ nằm ở tổng cầu yếu và đằng sau nó là giá cả hàng hóa cơ bản của thế giới thấp. 2014 có thể vẫn được hưởng từ cái đó.

Còn tổng cầu trong nước thì liệu tiêu dùng của người dân đã được đẩy mạnh chưa, đầu tư công thì siết, đầu tư tư nhân thì còn trông chờ nghe ngóng, còn phụ thuộc vào lòng tin. Trong khi đó chi tiêu của Chính phủ thì chưa bao giờ “phanh” đến mức này. Với phân tích như thế thì tổng cầu chưa có khả năng tăng đột ngột, giá cả thế giới cũng chưa có áp lực tăng nhiều thì Việt Nam vẫn có thể kiểm soát được lạm phát ở mức xung quanh 7%.

Song như chúng tôi đã khuyến nghị, Chính phủ nên sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu lạm phát 7% +-1%/năm trong 2014-2015 và có thể sẽ thấp hơn ở trung hạn và kiên định các chính sách nhằm ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, khi có sự xung đột giữa các mục tiêu hoạt động được giao, Ngân hàng Nhà nước được phép theo đuổi mục tiêu ưu tiên số một là lạm phát.

Tựu trung lại thì điểm sáng của kinh tế vĩ mô năm nay sẽ tiếp tục là điểm sáng của năm tới. Nhưng khi thể chế kinh tế chưa được cải cách triệt để thì theo tôi, mọi cố gắng vẫn chỉ là “cầm cự”, vẫn chỉ là bình mới rượu cũ.

* Kỳ sau: 2014 và “tâm điểm  nợ công”

Bàn sâu hơn về một trong hai “hàn thử biểu” về thần thái “cầm cự” của nền kinh tế, TS. Trịnh Quang Anh cho rằng nợ công sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm 2014.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con