Kỷ lục khối ngoại: Xả ròng 24.000 tỷ đồng trong 5 tháng, VNM, HPG dẫn đầu
Tính đến phiên giao dịch 21/5, khối ngoại đã bán ròng gần 24.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam…
Ngược chiều với sự sôi động của dòng tiền đầu tư trong nước khi VN-Index từng bước chinh phục đỉnh lịch sử, khối ngoại vẫn xả ròng suốt từ đầu năm đến nay.
Thống kê của VnEconomy cho thấy, chỉ tính riêng trên sàn Hose, từ đầu năm đến phiên giao dịch 21/5, khối ngoại đã mua 144.845 tỷ đồng và bán ra 168.415 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã xả ròng 23.570 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Nếu tính cả HNX và UpCOM, ước tính giá trị khối ngoại xả ròng lên đến gần 24.000 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục của khối ngoại bán ròng, cao hơn số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng).
Tính riêng trong tuần giao dịch vừa qua từ 17/5 đến 21/5, khối ngoại đã bán ròng 3.105 tỷ đồng.
Theo thống kê Hose, trong số các mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm phải nhắc đến VNM với tổng giá trị bán ròng lên đến 6.500 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, thị giá của VNM cũng giảm đáng kể từ đầu năm đến nay, giảm 17% từ 108.000 đồng xuống còn 89.000 đồng/cổ phiếu. Câu chuyện tăng trưởng của VNM chững lại có thể là lý do khiến khối ngoại xả ròng từ đầu năm đến nay ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý dòng tiền đầu tư trong nước.
HPG của Tập đoàn Hoà Phát cũng là cổ phiếu nằm trong danh sách bán mạnh của khối ngoại từ đầu năm đến nay với giá trị bán lên đến gần 6.000 tỷ đồng trong đó có vai trò không nhỏ từ cổ đông ngoại Penm. Dù vậy khác với VNM, giá cổ phiếu HPG đã tăng trưởng bứt phá nhờ dòng tiền đầu tư trong nước dựa trên đà tăng của giá thép suốt từ đầu năm.
Các cổ phiếu nhóm ngân hàng như CTG, VPB cũng bị khối ngoại bán ròng suốt từ đầu năm dù cho cổ phiếu nhóm này bứt phá và liên tục vượt đỉnh cũ.
Ở chiều ngược lại, FUEVFVND (chứng chỉ quỹ VFM VNDiamond ETF) được mua ròng mạnh nhất với giá trị 4.128 tỷ đồng. Các ETFs khác như FUESSVFL (chứng chỉ SSIAM VNFinLead ETF) và E1VFVN30 (chứng chỉ VFM VN30 ETF) cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 735 tỷ đồng và 499 tỷ đồng.
Trên thực tế, không riêng gì chứng khoán Việt Nam, từ đầu năm đến nay, động thái bán ròng của khối ngoại đã diễn ra tại nhiều thị trường như Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia do còn lo ngại dịch bệnh Covid 19 phức tạp và chuyển dòng tiền sang các thị trường phát triển.
Giới chuyên gia nhận định, có nhiều lý do để kỳ vọng khối ngoại sắp chấm dứt chuỗi ngày miệt mài bán ròng quay đầu mua mạnh, trong đó định giá thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực. Định giá theo phương pháp thống kê lịch sử thì thị trường Việt Nam tương đối hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới.
SSI Research cho rằng, lợi nhuận tăng trưởng của doanh nghiệp đưa định giá thị trường về mức hấp dẫn hơn. Lợi nhuận tăng trưởng tốt trong quý 1 đã đưa hệ số P/E trượt 12 tháng của VNIndex vào ngày 06/5 về mức thấp hơn là 17,3 lần so với mức 18,5 lần vào cuối tháng 3. Trong khi đó, hệ số P/E ước tính năm 2021 của SSI Coverage đã về mức 15 lần, thấp hơn mức 15,9 lần cũng ở thời điểm cuối tháng 3 và đây là mức khá hấp dẫn trong dài hạn.