Kỷ nguyên của robot: Quá khứ, hiện tại và tương lai
Công nghệ ngày càng phát triển thay đổi cách con người làm việc và kinh doanh. Đi đầu trong tiến bộ công nghệ hiện nay là tác động kép của AI và robot tự động. Nhiều ý kiến cho rằng robot sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai…
Chỉ trong 50 năm, thị trường công nghiệp robot thăng hạng vượt bậc. Sự phát triển này đã tạo ra định nghĩa mới “cobots”, chỉ robot cộng tác hoạt động cùng với con người. Liệu robot tự động sẽ tiếp tục làm việc song song với con người hay thay thế hoàn toàn nhiều vị trí vẫn là một chủ đề tranh luận gay gắt, theo Tech Wire Asia.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong hai năm qua, ảnh hưởng đến vô số lĩnh vực trên toàn cầu. AI trở thành một phần cuộc sống thường ngày của rất nhiều người, đặc biệt khi các “trợ lý thông minh” luôn hỗ trợ chúng ta khi làm việc. Giờ đây, AI sẵn sàng phục vụ con người, trả lời câu hỏi và thậm chí thực hiện được hầu hết tác vụ lặp đi lặp lại trong nhiều ngành khác nhau.
Rõ ràng, công nghệ giúp chúng ta hoàn thành các nhiệm vụ thể chất nhanh hơn, thậm chí thay thế hoàn toàn, giúp con người tập trung thực hiện nhiều công việc đòi hỏi trí tuệ hơn. Chúng ta đang dựa dẫm vào tự động hóa hơn bao giờ hết.
Nổi lên như yếu tố cạnh tranh quan trọng trong hoạt động sản xuất trên toàn thế giới, số lượng robot công nghiệp được sử dụng tại cơ sở làm việc đã tăng theo cấp số nhân kể từ những năm 1970. Theo thống kê, chỉ có 200 robot công nghiệp được sử dụng ở Hoa Kỳ vào năm 1970 nhưng đã tăng vọt lên 4.000 robot vào năm 1980. Đến năm 2015, con số tăng lên 1,6 triệu. Ngày nay, ước tính có khoảng hơn 3 triệu robot đang được sử dụng thường xuyên.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP ROBOT THEO THỜI GIAN
Để hiểu tác động của robot đối với từng ngành công nghiệp khác nhau, chúng ta cần quay trở lại nguồn gốc của công nghệ này vào những năm 1940 - 1950. Nhà khoa học người Anh, W. Gray Walter, được coi là người khởi xướng của ngành, đã phát triển Elmer và Elsie, hai robot tự động vào cuối những năm 1940. Lấy cảm hứng từ hệ thống sinh học, tác phẩm của Grey Walter thể hiện được một số hành động tự chủ cơ bản. Bằng cách sử dụng cảm biến bên trong, robot có thể điều hướng môi trường xung quanh, thậm chí phản ứng với kích thích từ môi trường bên ngoài, từ đó phản ánh hành vi giống như người thật.
Trong những năm 1950, sự phát triển của công nghệ tự động hoá được tiếp nối với George Devol, “ông tổ của ngành robotics”, người đã tạo ra Unimate. Bắt đầu với một số thiết bị cơ bản có thể di chuyển vật thể một cách tự động, nhà khoa học Devol được ghi nhận là người phát minh ra robot công nghiệp đầu tiên theo đúng thuật ngữ ngày nay.
Qua thời gian, những tiến bộ trong lĩnh vực điện tử, cảm biến và phần mềm đã mở rộng khả năng tự động hóa của robot, bao gồm nhiều nhiệm vụ phức tạp và gia công chính xác.
Robot bắt đầu được thương mại hoá phục vụ các dây chuyền lắp ráp vào đầu những năm 1960, chủ yếu dùng để nâng vật nặng - tạo nên quan niệm rằng robot sinh ra dành cho những nhiệm vụ mà con người bình thường khó có thể thực hiện dễ dàng. Nhưng không bó buộc trong nhiệm vụ nâng vật nặng, rõ ràng robot đã giúp gia tăng năng suất một cách đáng kể.
Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, nhu cầu tự động hóa tăng lên rõ rệt. Vì vậy, robot công nghiệp chuyển từ công việc chủ yếu là nâng vật nặng sang một số tác vụ đòi hỏi tính chính xác cao. Các mẫu robot nhỏ tiện lợi ra đời với bộ điều khiển và động cơ tiên tiến, rất lý tưởng cho một số công việc lắp ráp tỉ mỉ như siết bu lông và đai ốc. Robot có thể đảm nhận những công việc buồn tẻ, lặp đi lặp lại và cả những công việc nặng nhọc, khó khăn.
Đến cuối những năm 1970, robot đã mở rộng khả năng hơn nữa, bao gồm các nhiệm vụ như hàn, sơn phức tạp hay vận hành trong môi trường nguy hiểm, cho phép con người làm việc trên các lĩnh vực sản xuất ít rủi ro hơn, đồng thời nâng cao tính an toàn trong ngành công nghiệp thân thiện với robot.
Robot có thể xử lý nhiều tác vụ gây nguy hiểm trong môi trường đặc thù chẳng hạn như nhà máy gang thép, giải phóng người lao động lành nghề tập trung vào hoạt động sản xuất trọng điểm và mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng suất.
Sức hút chế tạo robot tiếp tục kéo dài đến giữa những năm 1980. Đội ngũ kỹ sư bắt đầu thực hiện đổi mới trong bối cảnh ngành công nghiệp thay đổi nhanh chóng. Đây là thời đại khơi dậy robot công nghiệp hiện đại, tích hợp cảm biến tiên tiến và hệ thống thị giác máy tính.
Khi công nghệ liên tục phát triển và chi phí phần cứng máy tính giảm xuống, khả năng của robot có bước nhảy vọt. Các kỹ sư đã cài đặt hệ thống cảm biến lực và tia laser chính xác trong robot, cho phép chúng phát hiện và theo dõi dây chuyền lắp ráp, mang lại cảm giác nhìn và chạm giống y hệt con người. Giải pháp này sớm được nhiều đại gia công nghệ như Amazon, Sequoia và Digit áp dụng. Giống như những robot “hình người” của Amazon, kỹ thuật tuyệt vời từ những năm 1980 đã nâng tầm robot từ thực hiện nhiệm vụ lặp đi lặp lại thành cỗ máy thể hiện “trí thông minh giới hạn”.