Kỳ vọng vào những thương vụ thoái vốn nghìn tỷ
Trong kế hoạch thoái vốn nhà nước năm 2022 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ba doanh nghiệp là Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong được thị trường đặc biệt quan tâm...
Đây cũng là 3 doanh nghiệp trong danh sách 88 doanh nghiệp đáng lẽ phải thực hiện bán vốn nhà nước trong năm 2021. Trong đó, SCIC đang sở hữu 3,26%; 50,7% và 37,1% vốn tương ứng lần lượt tại Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH- HOSE), Tổng CTCP Bảo Minh (mã chứng khoán BMI - HOSE) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán NTP - HNX) với tổng vốn nhà nước hơn 1.121 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo diễn ra trước thềm Xuân mới, lãnh đạo SCIC cho biết, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến ba doanh nghiệp này, nhưng vì muốn tối đa hóa mục tiêu bán vốn nên kế hoạch thực hiện được chuyển sang năm 2022. Vì đây đều là những doanh nghiệp niêm yết, minh bạch và giá bán rất khó để đoán định. Mức giá mà SCIC đề xuất cũng chỉ là một trong những căn cứ để xác định giá bán thoái vốn tại doanh nghiệp.
2021: BÁN VỐN LÃI HƠN 900 TỶ ĐỒNG
Tính đến ngày 31/12/2021, SCIC đã thực hiện công bố thông tin bán vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó đấu giá thành công tại 6 doanh nghiệp. Doanh thu bán vốn năm 2021 đạt 1.390 tỷ đồng trên giá vốn 457 tỷ đồng, đạt chênh lệch bán vốn 933 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu và chênh lệch bán vốn tương ứng đạt 169% và 297% so với kế hoạch. Ngoài ra, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang và Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam đã bán thành công trong tháng 12/2021, doanh thu đạt hơn 362 tỷ đồng, nhà đầu tư hoàn tất nộp tiền đầu tháng 1/2022.
Theo báo cáo kết quả hoạt động của SCIC, trong năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng SCIC vẫn hoàn thành và vượt nhiều kế hoạch kinh doanh năm. Trong đó, doanh thu của SCIC đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 9.602 tỷ đồng, bằng 291% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 8.563 tỷ đồng, bằng 259% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước gần 9.577 tỷ đồng.
So với 19 tập đoàn, tổng công ty mẹ trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn, SCIC là đơn vị có mức lợi nhuận vượt kế hoạch cao nhất (284%).
Ngoài xếp thứ hai về lợi nhuận (sau PVN), SCIC là doanh nghiệp đứng thứ ba về nộp ngân sách; đứng thứ tư về quy mô vốn chủ sở hữu và đứng thứ hai về chỉ tiêu hiệu quả lợi nhuận trên vốn (ROE)…
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, , năm 2021, SCIC đã đầu tư mua cổ phần tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines, hiện tại đã hoàn tất thủ tục và giải ngân 6.895 tỷ đồng vốn đầu tư vào hãng hàng không này (chiếm tỷ lệ sở hữu 31%). Cùng với đó, SCIC đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tái cơ cấu thành công tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM).
Riêng với dự án CTCP Cảng Quốc tế Lào Việt (VLP), SCIC đã phối hợp với nước bạn Lào và tỉnh Hà Tĩnh hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ và cơ cấu lại tỷ lệ vốn góp tại doanh nghiệp với việc tăng tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp Lào tại VLP từ 20% lên 60%, theo đúng tinh thần Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1, 2 và 3 cảng Vũng Áng, thúc đẩy sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Lào thông quan qua cảng Vũng Áng năm 2021 đạt hơn 1.200 tấn, tăng hơn 200% so với năm 2019-2020.
Đến tháng 12/2021, danh mục của SCIC có 145 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 46.542 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 147.649 tỷ đồng.
Công tác quản trị với vai trò cổ đông và hệ thống Người đại diện vốn của SCIC được đảm bảo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bảo toàn và tăng trưởng giá trị vốn nhà nước.
Với vai trò cổ đông, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho phần vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý...
Tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC như: CTCP Dược Hậu Giang, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk)... Công tác quản trị tại các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt có sự chuyển biến tích cực. Tập trung triển khai công tác quản trị, tái cơ cấu tại các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn mới tiếp nhận: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex); Tổng công ty Thép Việt Nam; Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty Licogi...
Trong một thời gian ngắn, SCIC đã khẩn trương triển khai hoàn thành tiếp nhận 10/14 doanh nghiệp theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng vốn nhà nước là 8.524 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.548 tỷ đồng.
2022: XÂY DỰNG THỂ CHẾ, CHIẾN LƯỢC
Năm 2022, SCIC tập trung cao vào các giải pháp về xây dựng thể chế, chiến lược, trong đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược Phát triển SCIC giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035.
Trong công tác quản trị doanh nghiệp, SCIC sẽ tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp; áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối và có vai trò quan trọng trong danh mục; tiếp tục tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số doanh nghiệp, trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty mới tiếp nhận, các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt; tăng cường giám sát thực hiện Quy chế Người đại diện mới và kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống Người đại diện.
Trong công tác đầu tư: báo cáo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế về đầu tư kinh doanh vốn của SCIC.