Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất sau khi lãi suất điều hành giảm từ 19/6?
Tại ngày 27/6, nếu muốn nhận lãi suất tiết kiệm trên 8%/năm cho các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng, khách hàng có thể lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến (online) tại một số ngân hàng. Đối với tiền gửi tại quầy, hầu như không có ngân hàng nào còn áp dụng lãi suất 8%/năm…
Kể từ ngày 19/6/2023, quyết định giảm trần lãi suất huy động tại một số kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm. Còn lãi suất áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng xác định dựa trên cung cầu vốn trên thị trường.
Sau quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 19-20/6, đồng loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi mới với mức giảm mạnh tại nhiều kỳ hạn.
Khảo sát 36 ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống tại ngày 27/6, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đã được các ngân hàng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng cao nhất hiện nay là 4,75%/năm, được áp dụng bởi 13/36 ngân hàng thương mại được khảo sát. Bốn ngân hàng thương mại nhà nước (Big4) là Agribank, BIDV, VietinBank, VietcomBank đồng loạt áp dụng lãi suất 3,4%/năm cho kỳ hạn này – mức thấp nhất hệ thống. Các ngân hàng còn lại áp dụng lãi suất từ 4,2% đến 4,6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng cao nhất vẫn là 4,75%/năm, được phần lớn các ngân hàng áp dụng. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại Big 4 cao hơn 1 tháng 0,7%; cùng là 4,1%/năm.
Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ghi nhận sự phân hoá rõ nét giữa các ngân hàng.
Lãi suất ngân hàng Viet Bank áp dụng với tiền gửi 6 tháng tại quầy là 7,8%/năm – cao nhất hệ thống.
Top các ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm 6 tháng ở mức cao còn có GPBank 7,6%/năm; ABBank, OceanBank 7,5%/năm; Indovina, Bắc Á, Việt Á 7,4%/năm.
Đặc biệt, lãi suất ngân hàng ABBank, GPBank áp dụng cho hình thức gửi tiết kiệm online vượt trội hơn hẳn so với gửi tại quầy.
Lãi suất tiết kiệm online 6 tháng tại ABBank hiện ở mức 8,2%/năm, tiếp theo là GPBank ở mức 8,1%/năm.
Lãi suất tiết kiệm online 12 tháng tại ABBank 8,3%/năm. Các kỳ hạn dài hơn từ 18-24 tháng, ABBank vẫn là ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất, ở mức 8,5%/năm.
Một số ngân hàng từng dẫn đầu trong cuộc đua lãi suất huy động cũng đã liên tục giảm lãi suất từ đầu tháng 6 tới nay.
Cụ thể, HDBank đồng loạt giảm lãi suất 0,5%, từ mức trần 4,75%/năm theo quy định xuống còn 4,25%/năm đối với tiền gửi tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn chính như 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng được HDBank giảm 0,2% xuống mức 7,3%/năm; trong khi các kỳ hạn khác được giữ nguyên.
Đây là đợt giảm lãi suất huy động lần thứ 4 liên tiếp của HDBank trong chưa đầy 1 tháng qua. Trước đó, ngân hàng này đã có 3 đợt điều chỉnh khác diễn ra vào ngày 31/5, 12/6 và 19/6.
Các mức lãi suất được nêu trong bài dành cho tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ và chỉ mang tính tham khảo. Các ngân hàng đều có những chính sách được áp dụng riêng tuỳ đối tượng khách hàng. Ngoài ra, mức lãi suất huy động thực tế có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng...
Từ ngày 26/6, OceanBank đồng loạt giảm 0,3 - 0,4% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 7,8%/năm dành cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, theo hình thức gửi tiết kiệm online. Trước đó, ngân hàng này cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động vào ngày 19/6 và 17/6.
Từ ngày 26/6, NCB giảm 0,1 % lãi suất huy động 6 tháng xuống còn 7,3%. Đây là lần giảm lãi suất huy động thứ năm liên tiếp kể từ đầu tháng 6 của NCB. Bốn lần trước diễn ra vào ngày 3/6, 8/6, 13/6, 17/6 và 21/6. Sau 5 lần giảm liên tiếp, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của NCB đã giảm 0,25 điểm %, trong khi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,55 – 0,8 điểm %.
Tại Agribank, BIDV, VietcomBank, VietinBank, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6 – 9 tháng đồng loạt niêm yết ở mức 5%, giảm 0,5 % so với đầu tháng 6.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay cho kỳ hạn 12 tháng đang là 7,8%/năm tại Indovina, PublicBank, và GPBank tiếp theo là 7,7%/năm tại Bảo Việt, và OceanBank. Mức lãi suất này đã giảm 0,1- 0,3% điểm lãi suất so với đầu tháng 6.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – ngân hàng luôn đứng đầu về lãi suất trong hệ thống đã giảm đáng kể đối với kỳ hạn 12 tháng, hiện chỉ còn 7,4%/năm, giảm 0,4% so với mức lãi suất đầu tháng 5.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài hơn từ 18-24 tháng, cao nhất là 8,2%/năm được ngân hàng PublicBank áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng và 8,10% được Indovina áp dụng cho kỳ hạng 24 tháng.
Đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên, 4 ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, BIDV, VietcomBank, VietinBank cùng áp dụng lãi suất 6,3%/năm.