Làm điều dưỡng viên tại Đức: Một cơ hội định cư lâu dài cho người lao động Việt Nam
Tại Đức, người lao động sẽ được đào tạo để trở thành điều dưỡng viên đa khoa, được cấp chứng chỉ quốc gia của Đức, có cơ hội định cư lâu dài tại nước này…
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa thông báo tuyển chọn bổ sung trên phạm vi toàn quốc điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trong ngành điều dưỡng.
Việc tuyển chọn nằm trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận hợp tác Dự án “Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại Đức” giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Trung tâm giới thiệu việc làm và nhân lực nước ngoài (ZAV) thuộc Cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA).
Mục tiêu của Dự án là đào tạo cho ứng viên điều dưỡng Việt Nam có đủ điều kiện nhập cư lao động vào Đức trong lĩnh vực y tế một cách minh bạch, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho ứng viên Việt Nam và góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, cùng có lợi giữa Việt Nam và Đức.
Người lao động tham gia chương trình sẽ được tham gia khóa học tiếng Đức trình độ B1, dự kiến từ ngày 1/11/2023 đến tháng 7/2024, đến trình độ B2 tại Hà Nội, ngoài ra ứng viên còn được học tiếng Đức chuyên ngành và phong tục tập quán, văn hóa, pháp luật Đức.
Người lao động cũng được Dự án chi trả lệ phí thi lần thứ nhất lấy chứng chỉ B1 tiếng Đức; được bố trí ăn, ở nội trú tại địa điểm của Dự án, miễn phí tiền ở; được hỗ trợ 36 Euro/tháng (khoảng 900.000 đồng tùy theo tỷ giá quy đổi vào thời điểm nhận) vào đầu mỗi tháng để tổ chức bữa ăn.
Ngoài ra, họ được hỗ trợ tiền khám sức khỏe tổng thể trước khi xuất cảnh, lệ phí xin visa và vé máy bay sang Đức cũng như Dự án sẽ hỗ trợ 250 Eur/người trước khi xuất cảnh.
Tuy nhiên, phía Dự án yêu cầu người lao động phải có hộ chiếu để xin thị thực nhập cảnh vào Đức; thi đỗ kỳ thi tiếng Đức trình độ B1 và học tiếng Đức chuyên sâu đến trình độ B2.
Đồng thời, đóng góp cho cơ sở dạy tiếng một phần chi phí của khóa học tiếng bằng tiền Việt tương đương 70 Euro hàng tháng (khoảng 1,8 triệu đồng tùy theo tỷ giá quy đổi tại thời điểm nộp), và đóng một lần cho Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là 100.000 đồng/học viên theo quy định.
Nếu bỏ học giữa chừng vì lý do cá nhân, sử dụng bằng cấp, giấy chứng nhận giả mạo, họ sẽ phải hoàn trả những khoản Dự án đã chi trả, và không được hoàn trả các chi phí đã nộp.
Tại Đức, học viên được tham gia khóa đào tạo 3 năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa, được cấp chứng chỉ quốc gia của Đức. Sau khi kết thúc khóa học thành công, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia, được làm việc và xem xét cho phép định cư lâu dài tại Đức theo quy định pháp luật của nước này.
Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo và tiếp nhận của Đức, học viên được hưởng lương học nghề tối thiểu: năm thứ nhất là 1.100 EUR/tháng (tương đương 27 triệu đồng), năm thứ 2 là 1.200 EUR/tháng (tương đương 30 triệu đồng) và năm thứ 3 là 1.300 EUR/tháng (tương đương 33 triệu đồng).
Chương trình tuyển chọn người lao động từ 19 đến 30 tuổi; đã tốt nghiệp phổ thông trung học, học bạ tốt nghiệp cấp 3 phải đạt yêu cầu có các môn Ngữ Văn, Ngoại Ngữ, Toán, 1 môn Khoa học tự nhiên (Sinh học, Vật lý và Hóa học) và 1 môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý) với số điểm trung bình tối thiểu là 5 trong cả ba năm lớp 10, 11 và 12 của chương trình trung học phổ thông.
Đã tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng hoặc đã hoàn thành ít nhất một năm chương trình cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng, y sĩ đa khoa, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, hộ sinh, dược sĩ tại Việt Nam.
Họ cũng đã tiêm đủ tối thiểu 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 được công nhận tại Châu Âu hoặc sẵn sàng tiêm các loại vaccine này (nếu chưa tiêm) hoặc sẵn sàng tiêm bổ sung mũi tiêm các loại vaccine này (nếu đã tiêm các loại vaccine khác không thuộc nhóm các vaccine được công nhận tại Châu Âu).
Về ngoại ngữ, ứng viên phải có trình độ tiếng Đức là A2 để bắt đầu học tiếng Đức trình độ B1 từ ngày 1/11/2023.
Bên cạnh đó, người lao động cũng không được có án tích theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp Việt Nam; đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài, tiền sử chưa từng mắc bệnh lao phổi và các bệnh truyền nhiễm.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia chương trình sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2023, và phỏng vấn dự kiến từ ngày 4/10 - 6/10/2023.