Lạm phát châu Âu cao kỷ lục, ECB chuẩn bị nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm
Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lập kỷ lục mới trong tháng 6 vừa qua, ngay trước thềm đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến diễn ra trong tháng 7...
Theo tin từ Reuters, số liệu sơ bộ được văn phòng thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 1/7 cho thấy lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở Eurozone trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong tháng 5, lạm phát ở khu vực này là 8,1%. Sự tăng tốc của lạm phát cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối ngày càng tăng mạnh.
Tuần này, dữ liệu từ Đức gây bất ngờ khi cho thấy lạm phát so với tháng trước giảm 0,5%. Nhưng giới chuyên gia nói rằng đó là do các biện pháp trợ cấp của Chính phủ Đức nhằm giảm bớt ảnh hưởng của giá năng lượng cao, còn sự leo thang của lạm phát thực chất vẫn chưa dừng lại.
Cả Pháp và Tây Ban Nha đều chứng kiến mức lạm phát kỷ lục trong tháng 6. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Tây Ban Nha thậm chí vượt ngưỡng 10% lần đầu tiên kể từ năm 1985.
Đã cam kết chống lại sự leo thang của giá cả, ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ trong tháng 7 này. ECB đã nói sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9, đồng nghĩa với lãi suất cơ bản của khu vực Eurozone sẽ chuyển sang trạng thái dương trong năm nay. Lãi suất âm đã được ECB duy trì suốt từ năm 2014.
Phát biểu hồi đầu tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đưa ra quan điểm cứng rắn.
“Nếu triển vọng lạm phát không tốt lên, chúng tôi sẽ có đủ thông tin để hành động nhanh hơn”, bà Lagarde phát biểu tại hội nghị thường niên của ECB ở Sintra, Bồ Đào Nha, về triển vọng chính sách tiền tệ ECB sau đợt nâng lãi suất vào tháng 9.
Tuy nhiên, đang có nhiều câu hỏi về tương lai chính sách tiền tệ trong Eurozone, trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong những tháng sắp tới. Nếu ECB tăng lãi suất quá nhanh, việc này có thể gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế, giữa lúc sự giảm tốc đã bắt đầu rồi.
Các số liệu về hoạt động kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Eurozone đang mất đà. Vấn đề bao trùm đặt ra là liệu khu vực này có tránh được một cuộc suy thoái trong năm nay, hay suy thoái có thể xảy đến trong năm 2023.
Các chuyên gia kinh tế của Berenberg dự báo Eurozone sẽ suy thoái vào năm 2023, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực giảm 0,8%. Tuy nhiên, sức ép gia tăng từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nhất là về giá năng lượng và giá lương thực-thực phẩm, có thể đẩy nền kinh tế khu vực vào một cuộc suy thoái sâu hơn dự báo ban đầu.
Cho tới hiện tại, giới chức châu Âu vẫn tránh nói về suy thoái.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng tốc độ tăng trưởng dương nhờ các yếu tố nội địa sẽ bù đắp lại được sự suy giảm đà tăng trưởng từ bên ngoài”, bà Lagarde nói. Trong tháng 6, ECB dự báo GDP của Eurozone tăng 2,8% trong năm nay. Dự báo mới sẽ được đưa ra vào tháng 9.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Frankfurt hiểu rằng giảm tốc kinh tế là một rủi ro lớn mà họ cần theo dõi. Chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của ECB nói rằng sự cảnh giác là cần thiết trong những tháng sắp tới.
“Với tất cả sự bấp bênh, chúng ta cần phải quản lý hai rủi ro”, ông Lane nói ở Sintra vào tuần này. “Một mặt, đó là những lực lượng có thể khiến cho lạm phát tăng cao hơn và lâu hơn dự kiến. Mặt khác, đó là nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế, nhưng chính việc này có thể làm giảm áp lực lạm phát”.
Trong một báo cáo ngày 1/7, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu của Capital Economics, ông Andrew Kenningham, nói rằng mức lạm phát 8,6% có lẽ chưa đủ để ECB tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7, mà nhiều khả năng ECB sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm trong lần điều chỉnh này.
“Khi các nhà hoạch định chính sách ngày càng không thoải mái với chính sách lãi suất âm, họ có thể nâng lãi suất mạnh hơn từ tháng 9 trở đi. Lãi suất tiền gửi có thể tăng lên mức dương 0,75% vào cuối năm nay”, ông Kenningham dự báo.