Làn sóng tiêu dùng giày dép bền vững
Làn sóng tiêu dùng giày dép bền vững bắt đầu khởi động vào đầu thập niên 2000. Dẫu không thể nhanh chóng tạo sức hút, số ít nhà sản xuất tiên phong lúc bấy giờ đã khơi gợi cảm hứng cho thế hệ tiếp nối...
Ngày nay, trào lưu xanh hóa thị trường da giày đi liền với một cuộc cách mạng trong thiết kế sản phẩm, khi yếu tố thời trang đồng hành cùng thông điệp bảo vệ môi trường. Theo kết quả nghiên cứu do nhóm tư vấn North Mountain về sáng kiến "Đổi mới vật liệu" thực hiện vào năm 2022, 55% người tiêu dùng muốn mua các sản phẩm sử dụng những giải pháp thay thế da động vật vì tác động tiêu cực đến động vật cũng như môi trường. Đồng thời, khoảng 80% người tiêu dùng thích da động vật hiện sẵn sàng mua sản phẩm da thực vật.
NHU CẦU VỀ GIÀY DÉP THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG
Lyst - trang thương mại điện tử nổi tiếng quốc tế về lĩnh vực thời trang và phụ kiện có trụ sở tại Anh – mới đây đã công bố một báo cáo tiêu dùng cho thấy doanh số bán ra của mặt hàng giày thể thao tự hủy sinh học năm 2022 đã tăng đến 253% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi lượng đơn đặt hàng giày dép từ chất liệu tái chế tăng 65%. Cũng theo nội dung báo cáo này, cụm từ “giày da phân hủy sinh học” thu hút lượt tìm kiếm thuộc top đầu trên trang chủ Lyst.
Hàng loạt thương hiệu lớn theo đó đang tích cực đầu tư vào trào lưu bền vững, góp phần thúc đẩy hứng thú mua sắm của người tiêu dùng đương đại. Tiêu biểu như mẫu giày thể thao làm từ sợi nấm Stan Smith Mylo của Adidas, hay đôi giày unisex Charlie được làm bằng một loại nhựa làm từ ngô của Louis Vuitton. Năm ngoái, hãng Andoze cũng đã tung ra sản phẩm giày thể thao được làm từ 98% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật: mía, bông hữu cơ, tre và rơm rạ. Sản phẩm giày này có trọng lượng nhẹ, thoáng khí, chống thấm nước hiệu quả và phần trên có thể phân hủy sinh học.
Song song đó, với khá nhiều tên tuổi mới trong ngành, giày dép bền vững dần được xem như định hướng kinh doanh tất yếu. Blueview - thương hiệu giày thể thao của Mỹ do một giáo sư chuyên ngành sinh học phân tử sáng lập - đã khai thác công nghệ vật liệu tân tiến để tạo ra những đôi giày có khả năng phân hủy hoàn toàn dưới lòng đất và cả trên biển. Chất liệu đế giày Blueview (đã trải qua 6 năm nghiên cứu và phát triển) là một loại bọt xốp đặc biệt làm từ tảo biển. Thân trên giày tạo hình bằng công nghệ đan 3D hiện đại, cũng sử dụng chất vải thuần thực vật.
Tương tự, tại châu Á, Kibo, công ty khởi nghiệp Hồng Kông chuyên sản xuất giày từ bã táo và các vật liệu tái chế khác như chai nhựa, cũng đã có doanh số bán hàng tăng gấp đôi nhờ nhu cầu về giày dép thân thiện với môi trường tăng lên. Natalie Chow, đồng sáng lập và CEO của Kibo, cho biết mẫu thiết kế giày đầu tiên của Kibo được làm bằng da tái chế từ những phần da vụn bị loại bỏ ở các nhà máy tiếp tục là sản phẩm bán chạy nhất. Đôi giày này có giá bán 1.060 đôla Hồng Kông (135 USD) trên cửa hàng trực tuyến của Kibo.
Lakat - nhà sản xuất giày thể thao bền vững tiên phong tại Philippines – cộng tác cùng nông dân bản xứ thu gom lá dứa và biến chúng thành một loại sợi cotton độc đáo, thiết kế nên sản phẩm giày vải êm nhẹ và thân thiện môi trường. Trong khi đó, nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ hóa học Bắc Kinh đã phát triển loại cao su polyester có nguồn gốc sinh học và sử dụng vật liệu này để làm nên những chiếc đế giày, trong khi các bộ phận khác của đôi giày được làm từ sợi gai dầu, sợi tre và mủ thân cây ngô. Nhóm nghiên cứu đang sản xuất quy mô nhỏ và trong tương lai sẽ hợp tác với doanh nghiệp để tiến hành sản xuất hàng loạt.
Có thể nói, giày dép bền vững đang nhanh chóng lan rộng trong toàn bộ ngành công nghiệp thời trang. Một báo cáo từ Future Market Insights đã định giá thị trường này vào khoảng 24 tỷ USD và dự đoán sẽ tăng trưởng trong vòng 10 năm tới. “Nhu cầu về giày dép thân thiện với môi trường đang tăng cùng với xu hướng tiêu dùng xanh. Giày làm bằng vật liệu tái chế và tự nhiên không liên quan đến động vật đang ngày càng trở nên phổ biến”, Nicholas Fu, nhà kinh tế thuộc Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC), nhận định...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2023 phát hành ngày 21-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam