Lấp kín “kẽ hở” trong Luật Đất đai
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Việc tổng kết thi hành luật tập trung đánh giá sự chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan; kết quả thực hiện các quy định về đất đai...
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã ban hành Quyết định số 548 về kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án luật (sửa đổi), trong đó phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai tổng kết thi hành Luật Đất đai.
PHẢI ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC SỰ CHỒNG CHÉO VÀ KHÔNG THỐNG NHẤT
Để công tác tổng kết thi hành Luật Đất đai đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo tổng kết về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng kế hoạch (UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ hoàn thành trước ngày 15/5/2021; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành trước ngày 30/6/2021).
Theo kế hoạch, việc tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung đánh giá sự chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai. Đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai. Xác định những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của luật. Xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập đó. Đồng thời đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm. Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Theo nhận định của một số chuyên gia, thực tế qua việc thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng gây lãng phí. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi.
Quy định về các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã hình thành khung pháp lý để thị trường bất động sản vận hành, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu về đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất kinh doanh. Chính sách tài chính về đất đai được hoàn thiện đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Những quy định đổi mới về giá đất đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa yếu tố đầu cơ, tăng nguồn thu từ đất. Ước tính trong năm 2020 đã thu 168.000 tỷ đồng (vượt kế hoạch giao), đưa tổng nguồn thu trong 5 năm đạt gần 850 nghìn tỷ đồng, chiếm trung bình 11% thu ngân sách nội địa hàng năm. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thực thi, luật đã bộc lộ một số kẽ hở, hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
SỬ DỤNG ĐẤT HIỆU QUẢ, TĂNG NGUỒN THU
Đất đai là một trong những tài nguyên rất quan trọng, là đầu vào của nền kinh tế và liên quan đến tất cả người dân. Các nghị định của Chính phủ đã tháo gỡ căn bản những khó khăn, vướng mắc để giải phóng, đưa nguồn lực đất đai cho phát triển. Để giải quyết một số vướng mắc phát sinh, Chính phủ đã ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu đặt ra phải sửa đổi một cách căn bản, toàn diện luật này. Chia sẻ với báo chí đầu năm 2021 về những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai và lộ trình chuẩn bị, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là đạo luật quan trọng được xây dựng trên các quan điểm, chủ trương của Đảng, nguyện vọng của nhân dân.
Trước mắt sẽ tập trung tổng kết Nghị quyết số 19 của BCH TƯ và thi hành Luật Đất đai. Các nhiệm vụ này sẽ được thực hiện khẩn trương, trong đó nhiều vấn đề sẽ được nghiên cứu, đánh giá cơ sở lý luận, thực tiễn, lắng nghe người dân để giải quyết một cách căn cơ. Cụ thể như: chế định về sở hữu toàn dân, quyền của người sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất để phân bổ hợp lý giữa các mục đích sử dụng, giữa các thế hệ, khai thác không gian. Một vấn đề hết sức quan trọng là kinh tế, tài chính và phương pháp định giá đất; các cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp đất đai; cũng như giải quyết vấn đề tập trung tích tụ đất đai phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động để không làm nảy sinh những vấn đề xã hội khác...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng mọi chính sách đất đai đều phục vụ cho mục tiêu phát triển và phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Bộ tập trung nghiên cứu hoàn thiện các chủ trương và lắng nghe người dân; trên cơ sở đó trình Trung ương ban hành một nghị quyết với các chủ trương hợp lòng dân và sẽ thể chế thành Luật Đất đai mới.
Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án luật sửa đổi vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đã yêu cầu việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển; giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Theo kế hoạch sẽ hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2021. Xây dựng hồ sơ dự án luật và trình Chính phủ quý 4/2021 - quý 1/2022. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào quý 4/2022, quý 2/2023.
Lộ trình kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án
Luật Đất đai (sửa đổi) theo Quyết định 548:
Quý 4/2020: xây dựng đề cương hướng dẫn báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai; gửi công văn đến các bộ, ngành, cơ quan và địa phương yêu cầu thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai. Quý 1 và 2/2021: tổ chức các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo và các đơn vị có liên quan về tổng kết thi hành Luật Đất đai; làm việc trực tiếp với các bộ, ngành và một số địa phương về tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Quý 2, 3/2021: Xây dựng báo cáo chuyên đề tổng hợp báo cáo kết quả điều tra tại các bộ, ngành, địa phương. Quý 3/2021: Tổng hợp và xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai. Quý 2, 3/2021, tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá tổng kết thi hành Luật Đất đai. Quý 4/2021: hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai. Quý 4/2021 - quý 1/2022: xây dựng hồ sơ dự án luật và trình Chính phủ. Quý 4/2022 - quý 2/2023, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.