Lấy ý kiến dự thảo Quyết định chi phí xử lý, tái chế rác thải điện tử
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC vừa tổ chức Hội thảo về quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với rác thải điện tử nhằm lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan về dự thảo đề xuất định mức chi phí tái chế và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ xử lý chất thải (Fs)...
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hơn 50 doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự.
Hiện nay, theo quy định của Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.
Khoản 2 Điều 154 quy định các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế được lựa chọn thực hiện trách nhiệm tái chế theo một trong các hình thức bao gồm: (1) Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; hoặc (2) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Cùng với đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Điều 81 cũng quy định về mức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam. Trong đó, đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định theo Fs (định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu). Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Fs.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng hiện nay các thiết bị điện tử thải bỏ tại Việt Nam chủ yếu được thu gom, tháo dỡ, phân loại và tái chế chủ yếu bởi khối tư nhân với quy mô vừa và nhỏ.
Cả nước có khoảng 68 công ty được cấp phép xử lý chất thải, linh kiện điện tử với công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày, phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ thủ công, trong đó chỉ có một số nhỏ công ty có đủ dây chuyền xử lý được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử. Do vậy, chi phí tái chế rác thải điện tử lâu nay thường chỉ xem xét đến chi phí thu gom, chi phí nhân công, vật tư tiêu hao và khấu hao trang thiết thiết bị… ít chú ý tới chi phí xử lý liên quan tới kim loại quý hay chất thải nguy hại có trong sản phẩm.
Do vậy, vị chuyên gia cho rằng có thể cân nhắc phương án xây dựng Fs theo hướng linh hoạt để tạo động lực để nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện với môi trường.
Đại diện Samsung Việt Nam đề nghị Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc mức phí với mặt bằng các quốc gia khác. Theo đại diện của Samsung, các quốc gia chỉ chênh lệch Fs vào khoảng 100%, còn theo dự thảo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến hiện nay đã chênh từ 200% trở lên so với các quốc gia khác.
Đại diện Samsung cũng đặt ra câu hỏi nếu thực hiện tách từng phần sản phẩm điện tử thì chi phí tái chế có rẻ hơn không? Kết hợp với điều kiện xử lý chất thải nguy hại đi kèm với chất thải điện tử nếu như vậy có yêu cầu quá cao cho các công ty tái chế không? Vì không phải công ty nào cũng có thể tái chế được chất thải điện tử.
Góp ý tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị Việt Nam nên đi từng bước, trước hết cần xây dựng khung chính sách; Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra quy trình xử lý chất thải nguy hại có trong sản phẩm thải bỏ, để từ đó có căn cứ tính giá thành tái chế, xử lý; tăng cường cơ sở hạ tầng về thu gom rác thải và tái chế; tạo ra cơ chế chính sách với những quy định thuận lợi cho tái chế, thu gom; cần có chính sách thu hút đầu tư cho tái chế…
Ban soạn thảo và nhóm chuyên gia tư vấn đã tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để từ đó tiếp tục xem xét và có điều chỉnh phù hợp trước khi trình Chính phủ phê duyệt.