Loạt cổ phiếu blue-chips giữ nhịp tốt, MSN thanh khoản đột biến
VN30-Index là chỉ số nhóm vốn hóa duy nhất còn xanh trên sàn HoSE sáng nay. Thanh khoản rổ VN30 cũng duy trì ổn định so với sáng hôm qua trong khi sàn này sụt giảm. VN-Index duy trì mức tăng nhẹ 2,64 điểm (+0,21%) hoàn toàn nhờ các mã blue-chips giữ nhịp trong khi độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm...
VN30-Index là chỉ số nhóm vốn hóa duy nhất còn xanh trên sàn HoSE sáng nay. Thanh khoản rổ VN30 cũng duy trì ổn định so với sáng hôm qua trong khi sàn này sụt giảm. VN-Index duy trì mức tăng nhẹ 2,64 điểm (+0,21%) hoàn toàn nhờ các mã blue-chips giữ nhịp trong khi độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm.
HoSE đang có 11 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng thì 10 mã thuộc rổ VN30 và duy nhất 2 mã đỏ là MWG giảm 0,75% và VNM giảm 0,14%. Dòng tiền duy trì ổn định ở các blue-chips là điều kiện tốt trong bối cảnh thị trường đang tiến bước rất chậm.
VN-Index chốt phiên sáng chỉ có 146 mã tăng/221 mã giảm. Sự phân hóa đang có tín hiệu yếu dần. Chỉ số đạt đỉnh lúc 9h45, tăng hơn 6 điểm, độ rộng có tới 196 mã tăng/114 mã giảm. Diễn biến trượt giá lan khá rộng về cuối phiên, thậm chí ngay trong rổ VN30 cũng xấu đi. Rổ này chốt phiên sáng với 16 mã tăng/10 mã giảm trong khi tại đỉnh duy nhất VCB là đỏ.
Một số giao dịch mạnh đột biến cũng chỉ xuất hiện trong nhóm VN30, nổi bật là MSN, mới phiên sáng thanh khoản đã tăng tới 40% so với cả ngày hôm qua và đang dẫn đầu thị trường với 6,68 triệu cổ tương đương 511,2 tỷ đồng. MSN tăng giá 2,54% trong đó khối ngoại mua ròng 128,8 tỷ đồng. Cầu ngoại cũng là lý do giá MSN tăng tích cực khi lượng mua chiếm khoảng 37% tổng giao dịch.
Ngoài MSN, một số trụ lớn của VN-Index cũng khá tốt là BID tăng 1,61%, GAS tăng 1,35%, VHM tăng 1,24%, VIC tăng 0,74%. Đây đều là các cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa thị trường. Nếu nhìn từ biên độ tăng, nhóm tầm trung có thêm PLX tăng 2,56%, VRE tăng 2,58%, BCM tăng 1,97%, SAB tăng 2,03%.
Nhóm giảm giá trong rổ VN30 không có giao dịch nào đáng chú ý. VJC đang giảm mạnh nhất, mất 1,26% nhưng cổ phiếu này vốn hóa quá nhỏ (chưa lọt top 20) nên ảnh hưởng không rõ ràng. VCB đang khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất (1,09 điểm) nhưng mức giảm cũng chỉ là -0,89%, ảnh hưởng chủ đạo là vì vốn hóa lớn nhất thị trường.
Khả năng giữ nhịp của các blue-chips đang giúp VN-Index trụ vững trên tham chiếu và tuy độ rộng thể hiện số lượng mã đỏ nhiều, nhưng áp lực giảm cũng không mạnh. Midcap đang mất 0,42%, Smallcap mất 0,16% và trong 221 mã đỏ, chỉ 70 cổ phiếu giảm hơn 1%, tập trung khoảng 17% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Duy nhất DIG đạt thanh khoản hơn 100 tỷ đồng, giá giảm1,79%. VIX, HAG, HCM, VND, PDR là các cổ phiếu khác thanh khoản trung bình. Thực tế tuy số lượng tới 70 mã nhưng chỉ 20 mã giao dịch được quá 10 tỷ đồng thanh khoản.
Số tăng giá hiện vẫn đang có lợi thế lớn ở các cổ phiếu thanh khoản trung bình tới thấp. TDC, VTO, NAB, LSS, NAF, BFC, CSV, SAV, PVP, VHC, HQC đều tăng trên 2% với giao dịch chỉ vài tỷ tới vài chục tỷ đồng. Các mã mạnh vẫn phải là blue-chips nhưng cũng rất hiếm như MSN, VHM, GAS, VRE, PLX thanh khoản trên trăm tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch khá hiền, trừ MSN thì không có mã nào được mua ròng đáng kể. Phía bán cũng chỉ có DGC, HPG được bán ròng quanh 20 tỷ đồng. Tính chung khối này bán ròng nhẹ 46,7 tỷ đồng trên HoSE là mức bán ròng nhẹ nhất trong 8 phiên sáng trở lại đây.
VN-Index đang tiến sát đến mức trung bình 20 ngày (MA20) vốn được xem là ngưỡng cản kỹ thuật phổ biến, nên dòng tiền càng có lý do để thận trọng. Giao dịch khớp lệnh 2 sàn phiên sáng giảm nhẹ gần 7% so với sáng hôm qua và độ rộng khá hẹp. Ngoại trừ các cổ phiếu vẫn thu hút được dòng tiền hoặc có áp lực chốt lời nhẹ, số khác đang suy yếu sau nhịp hồi ngắn hạn. Dù vậy như thống kê phía trên, chỉ số rất nhỏ cổ phiếu tăng/giảm vượt quá biên độ 1% cho thấy thị trường vẫn đang khá cân bằng về cung cầu.