Loạt vướng mắc "kìm" tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Tư lệnh ngành tài chính lo khó "về đích"

Trâm Anh
Chia sẻ

Hàng loạt vướng mắc đang "kìm chân" tốc độ giải ngân tại các tỉnh thuộc Tổ công tác số 6. Trước tình trạng vốn cứ phải chờ công trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lo lắng việc giải ngân hơn 500.000 tỷ đồng năm nay khó về đích...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trực tiếp kiểm tra thực địa tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trực tiếp kiểm tra thực địa tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và làm việc với các địa phương Nghệ An, Phú Yên, Sóc Trăng.

PHÚ YÊN GIẢI NGÂN THẤP HƠN BÌNH QUÂN CHUNG

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục kiểm tra các địa phương có giải ngân chậm dưới 50%.

Giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, bởi nếu không đẩy nhanh giải ngân vốn sẽ hạn chế tăng trưởng, không thể hiện được vai trò như dòng vốn mồi dẫn dắt nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về kế hoạch vốn giao năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho 4 địa phương nêu trên với tổng số vốn gần 23.295 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 13.469 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương là gần 7.887 tỷ đồng, gồm: gần 6.848 tỷ đồng nguồn vốn trong nước và gần 1.039 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài ODA. Còn lại vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia là gần 1.939 tỷ đồng.

 

Sau 2 đợt kiểm tra cho thấy các địa phương có chuyển biến về công tác giải ngân. Tuy nhiên, tỉnh Phú Yên giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn bình quân chung cả nước, 7 tháng đạt 29,93%, ước 8 tháng là 36,2%, chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Đến nay, tổng số vốn phân bổ chi tiết của 4 địa phương là gần 22.941 tỷ đồng.

Theo công văn số 8284/BTC-ĐT ngày 22/8 về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến cuối tháng 7 của các địa phương là 7.239,530 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (23.294,996 tỷ đồng) và đạt 31,6% kế hoạch địa phương triển khai (22.940,803 tỷ đồng).

Kiểm tra chi tiết giải ngân các dự án trong 7 tháng đầu năm cho thấy các địa phương đều còn tình trạng các dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân thấp so với kế hoạch vốn năm được giao, dưới mức bình quân chung cả nước 30% kế hoạch.

Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa 18 dự án, Phú Yên 26 dự án, tỉnh Nghệ An 55 dự án, tỉnh Sóc Trăng 26 dự án.

LOẠT VƯỚNG MẮC KÉO CHẬM TỐC ĐỘ GIẢI NGÂN

Qua báo cáo của 4 địa phương cho thấy nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do vướng về thể chế, chính sách như lĩnh vực đất đai, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn bất cập; về quy định đầu tư xây dựng đường quốc lộ và dự án liên vùng...

Đặc biệt, thời gian qua, giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép, đất, cát... tăng mạnh, dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt. Do đó, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi giải pháp thiết kế hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai.

Một số gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định nên không thể điều chỉnh, các nhà thầu sẽ giãn tiến độ hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Hơn nữa, năm 2022 là năm bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, những tháng đầu năm hoàn tất thủ tục đầu tư nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đều phấn đấu ước giải ngân cả năm (đến 31/01/2023) đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, khẳng định đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

 

“Giải ngân nhanh hay chậm, cốt ở lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Chúng ta phải suy nghĩ, sáng tạo, bám sát hiện trường, đôn đốc thi công, hoàn thành các thủ tục, mới giải ngân được”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 là 526.105,895 tỷ đồng. Thủ tướng giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương 518.105,895 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2022-2023, Quốc hội và Chính phủ đưa ra gói kích cầu 340.000 tỷ đồng, trong đó tập trung cho an sinh xã hội, chuyển đổi số, giải quyết việc làm, hỗ trợ người thuê nhà, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông trọng yếu…

Bộ trưởng bày tỏ lo lắng với số vốn hơn 500.000 tỷ đồng, với tốc độ giải ngân như hiện nay thì khó về đích và đặc biệt lưu ý các địa phương cần đi trước một bước trong công tác giải phóng mặt bằng, bởi đây chính là nguyên nhân khiến giải ngân chậm.

Sau cuộc họp, các địa phương sớm có báo cáo về Bộ Tài chính, trong đó cần kiến nghị các giải pháp cụ thể để trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời.

“Vướng mắc phải từ thực tiễn, từ cơ sở nên cần có các kiến nghị cụ thể từ cơ sở, từ đó mới có biện pháp tháo gỡ với tinh thần linh hoạt, kịp thời. Mong các đồng chí lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm đến tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục. Các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án, trên cơ sở đó mới đẩy nhanh giải ngân vốn, nếu không thì vốn cứ chờ công trình”, người đứng đầu ngành tài chính và là Tổ trưởng Tổ công tác số 6 của Chính phủ chỉ ra.

 

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, ngày 2/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ công tác số 6 kiểm tra các địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con