Lời giải nào cho đường bay tới Côn Đảo?

Tường Bách
Chia sẻ

Bamboo Airways cho hay sẽ kết thúc sớm hợp đồng thuê 3 chiếc máy bay Embraer E190. Hãng sẽ ngừng toàn bộ hoặc một phần các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Côn Đảo, Huế và Hà Nội đi Đồng Hới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lý do là loại máy bay Embraer E190 có mức tiêu thụ nhiên liệu cao, không hiệu quả trong bối cảnh giá xăng dầu tăng và xu thế tiết kiệm nhiên liệu hiện nay. Theo đại diện Bamboo Airways, sự việc nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của hãng, để tập trung vào các đường bay có nhiều lợi thế. Hơn nữa, với quy định về trần giá vé máy bay nội địa, loại máy bay này gây lỗ lớn cho hãng và không có cơ hội cải thiện hiệu quả kinh doanh.

“CHÁY” VÉ HÀ NỘI – CÔN ĐẢO

Được biết, đây không phải hãng bay đầu tiên dừng chặng bay Hà Nội – Côn Đảo. Trước đó, năm 2012, đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo lần đầu được hãng hàng không Air Mekong khai thác bằng máy bay phản lực Bombardier CRJ 900. Nhưng chỉ sau 1 năm, Air Mekong phải dừng đường bay này.

Đến tháng 9/2020, Bamboo Airways chính thức mở lại đường bay Hà Nội - Côn Đảo bằng tàu bay Embraer E190, hành khách bay thẳng đến Côn Đảo chỉ mất hơn 2 tiếng. Điều quan trọng, sức nóng cạnh tranh này đã buộc Vietnam Airlines Group phải giảm giá vé bay nối chặng, từ mức 5 - 7 triệu đồng (đã gồm thuế, phí) xuống còn khoảng 2,7 - 3 triệu đồng vào một số thời điểm.

Như vậy, việc Bamboo Airways đóng cửa chặng bay Hà Nội - Côn Đảo đồng nghĩa với việc từ tháng 4/2024, sẽ lại chỉ còn đường bay thẳng TP.HCM - Côn Đảo do Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines và VASCO) khai thác. Khách hàng từ khu vực miền Bắc muốn đến Côn Đảo đều phải bay nối chuyến tại TP.HCM. Nhiều hành khách lo lắng giá vé sẽ lại đắt đỏ như trước, nhất là trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa có xu hướng tăng cao từ năm 2023 đến nay.

Từ tháng 4/2024, sẽ lại chỉ còn đường bay thẳng TP.HCM - Côn Đảo do Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines và VASCO) khai thác.
Từ tháng 4/2024, sẽ lại chỉ còn đường bay thẳng TP.HCM - Côn Đảo do Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines và VASCO) khai thác.

Ông Hồ Thanh Chương, Giám đốc kinh doanh Nội địa Flamingo Redtours, cho biết thông tin Bamboo Airways không khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo từ ngày 1/4 đã ảnh hưởng rất nhiều tới các hãng lữ hành đang khai thác tour Côn Đảo.

“Trước đây từng xảy ra hiện tượng có đơn vị ôm vé và dùng biện pháp đẩy giá vé lên cao. Nhưng từ khi có Bamboo Airways vào khai thác chặng này đã giảm hẳn tình trạng trên. Giờ hãng bay này dừng đường bay, nhiều khả năng khách đoàn lớn từ 20 - 30 khách muốn đi Côn Đảo sẽ rất khó đặt vé", ông Chương nói.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ người miền Bắc tham quan Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) lên tới 90% vì nơi đây nổi tiếng với du lịch tâm linh. Do đó, thông tin đóng cửa chặng bay khiến những người có ý định đi Côn Đảo vội vã “đẩy” lịch trình sớm lên trong tháng 3, ráo riết "săn" vé, dẫn đến chặng Hà Nội - Côn Đảo đang "cháy vé" bay thẳng đến tận cuối tháng 3. Với một số ngày hiếm hoi còn vé bay thẳng, giá vé lên đến 15 triệu đồng khứ hồi ghế hạng thương gia.

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice, cho hay đơn vị này đang có kế hoạch điều chỉnh việc bán tour Côn Đảo hay combo vé máy bay - khách sạn cho hành khách.

“Nếu khách ở khu vực phía Bắc như Hà Nội vẫn muốn đặt tour giá hợp lý tới Côn Đảo, công ty lữ hành sẽ đưa ra phương án quá cảnh tại TP.HCM. Sau đó du khách sẽ đi tàu từ cảng Rạch Giá (Kiên Giang) hoặc di chuyển tới Vũng Tàu và ngồi tàu ra Côn Đảo. Biện pháp này giúp giảm chi phí nhưng tốn nhiều thời gian và công sức,” ông Tú băn khoăn.

Lời giải nào cho đường bay tới Côn Đảo? - Ảnh 1

VÌ SAO CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG “BỎ CUỘC CHƠI”?

Trên thực tế, đường bay đến Côn Đảo dù hút khách nhưng vẫn không đủ hấp dẫn với các hãng hàng không. Vấn đề chủ yếu đến từ tình trạng của sân bay Côn Đảo.

Sân bay này do người Pháp xây dựng vào thế kỷ 19, có đường băng ngắn, bao quanh là biển và núi. Hiện đây là sân bay dân sự cấp 3C và quân sự cấp 2, chỉ đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương. Do đó, nếu khai thác đường bay này, các hãng sẽ phải tốn chi phí đầu tư một loại tàu bay mới, cộng thêm chi phí đào tạo phi công, thợ máy...

Bamboo Airways cho biết trung bình mỗi năm, chi phí vận hành một máy bay Embraer 190 vào khoảng 5 triệu USD. Trong đó, máy bay phải mang đi bảo dưỡng ở Ba Lan, phi công phải được đào tạo ở Nhật Bản. Ngoài ra, loại máy bay này tiêu thụ xăng dầu rất lớn, ngang ngửa với máy bay Airbus A320 nhưng chỉ chở được bằng phân nửa số khách... Trong khi đó, các hãng hàng không bao gồm cả Bamboo Airways, Vietjet Air và Vietravel Airlines hiện đều chỉ tập trung vào dòng máy bay Airbus A320, A321 để giảm chi phí khai thác, nhằm cạnh tranh về giá vé.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM, giải pháp cho các đường bay ngách như Côn Đảo chính là việc bỏ giá trần vé máy bay. Nếu không có giá trần, hãng hàng không có thể bán giá vé ở mức cao mà người mua bằng lòng chi trả, hãng không phải chịu lỗ khi phải bay một dòng máy bay riêng. Mặt khác, các sân bay cũng không cần phải đầu tư, cải tạo ngay để đón nhận những máy bay phản lực chở hàng trăm hành khách.

UBND huyện Côn Đảo cho biết, thời tiết Côn Đảo chia 2 mùa rõ rệt, một mùa từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch hàng năm, thuận lợi để tàu thuyền đến Côn Đảo. Thời gian còn lại là mùa gió chướng, sóng biển rất to, gió mạnh, phương tiện đường thủy ra Côn Đảo bị hạn chế.

Do đó, du khách có nhu cầu đi máy bay rất cao, nhưng hạ tầng Cảng hàng không Côn Đảo chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay. Lãnh đạo tỉnh cho rằng kết nối giao thông bằng đường hàng không cần được ưu tiên quan tâm, nhằm đảm bảo đi lại của người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Du khách có nhu cầu đi máy bay rất cao, nhưng hạ tầng Cảng hàng không Côn Đảo chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay.
Du khách có nhu cầu đi máy bay rất cao, nhưng hạ tầng Cảng hàng không Côn Đảo chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhân chuyến làm việc của Chủ tịch Quốc hội đầu tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết sân bay Côn Đảo muốn đón máy bay cỡ lớn như A321 cần có đường cất hạ cánh dài 2,4km. Nếu kéo dài đường cất hạ cánh lên 2,4 km thì chi phí sẽ đẩy lên. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu thuê chuyên gia quốc tế để đánh giá chiều dài đường cất hạ cánh phù hợp. Sau khi có kết quả nghiên cứu sẽ tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ, Quốc hội để xin triển khai theo hình thức PPP hay đầu tư công.

Về kêu gọi nhà đầu tư dự án, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trước đó Công ty CP.An sinh cộng đồng quốc tế (TP.HCM) và Công ty CP.Tập đoàn Mặt trời (Đà Nẵng) có gửi công văn đến Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh bày tỏ sự quan tâm và đề xuất đầu tư dự án Cảng hàng không Côn Đảo. “Với tốc độ phát triển du lịch hiện nay, việc nâng cấp sân bay Côn Đảo sẽ có nhiều tiềm năng để thu hút nhà đầu tư”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nhận định.

Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng chắn chắn sẽ quay lại đường bay này khi sân bay Côn Đảo mở rộng, kéo dài đường băng sân bay theo chủ trương quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải.

“Hiện Bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương quy hoạch mở rộng, kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo. Sân bay Cà Mau cũng sẽ được mở rộng, kéo dài đường băng. Chúng tôi sẽ quay trở lại các sân bay này với các dòng tàu bay Airbus A320/A321”, ông Nam nói.

 

Theo quy hoạch, vào năm 2030, sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm với 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới), bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con