Mạo danh tư vấn tài chính cá nhân: Cần cơ chế kiểm soát
Đã đến lúc, nghề hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế...
Ngành hoạch định tài chính cá nhân được hình thành từ năm 1969 khi ông Loren Dunton đã nhóm họp cùng với 13 nhà lãnh đạo tài chính tại một khách sạn ở Chicago, Mỹ để thảo luận về việc nâng cao ý nghĩa và tính chuyên nghiệp của nghề tư vấn tài chính. Không dừng lại ở việc bán sản phẩm tài chính mà còn đưa ra những lời tư vấn chuyên nghiệp cho khách hàng của mình.
Lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển vô cùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính quốc tế (FPSB); Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính tại 27 quốc gia thành viên. Chứng chỉ Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (Certified Financial Planner - CFP) là chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân hiện có 203.312 chuyên gia trên thế giới đang nắm giữ.
Còn tại Việt Nam thì sao? Các chuyên gia tài chính cho rằng, vấn đề hoạch định tài chính cho cá nhân và gia đình chưa được đại đa số công chúng nhận thức và quan tâm đúng mức. Mức độ quan tâm của người dân chỉ tính tới những nhu cầu trước mắt, không hoàn toàn có nhiều kế hoạch cho tương lai.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí về tài chính của người dân Việt Nam còn đang ở mức chưa cao. Do đó, hàng loạt các cá nhân tự nhận là tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư trên thị trường hoặc các tổ chức tài chính mạo danh rất nhiều.
Hàng loạt các cá nhân tự nhận là tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư trên thị trường hoặc các tổ chức tài chính mạo danh vẫn đang hành nghề mà chưa có cơ chế kiểm soát về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đã dẫn tới các vụ việc lừa đảo lớn gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân, và doanh nghiệp.
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA)
Chia sẻ tại tọa đàm “Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” mới đây, ông Ngô Thành Huấn chuyên gia Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam chủ yếu là tư vấn riêng lẻ theo sản phẩm và không dịch vụ tư vấn tài chính cho hưu trí.
Trong khi đó, đến năm 2030-2040, Việt Nam sẽ có 20 triệu người sẽ đồng loạt nghỉ hưu năm. Điều đáng nói, theo dự kiến của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2031 bảo hiểm chi trả lương hưu Việt Nam sẽ âm 35.962 tỷ đồng.
Với thực trạng trên, ông Huấn cho rằng, đã đến lúc thiết lập các chuẩn mực cho lĩnh vực hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp.
Cũng cùng quan điểm TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tài chính cá nhân thực sự là một mảnh ghép cuối cùng của mảng tài chính Việt Nam. "Tài chính bao gồm tài chính vĩ mô và tài chính vi mô. Vĩ mô là chuyện của nhà nước còn về vi mô bên cạnh mảng tài chính doanh nghiệp đã nói rất thường xuyên thì mảng cuối cùng đó là tài chính cá nhân", ông Ánh nói.
Tuy nhiên, khi xây dựng bộ tiêu chuẩn chung, ông Ánh lưu ý, khi coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề thì đây sẽ là một nghề hoàn toàn mới. Và nó không giống như môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm như bây giờ. Bởi lẽ, cả ba nghề môi giới trên là đứng ở phía người bán, họ môi giới để phục vụ mục tiêu bản thân là bán được hàng. Nhưng cái nghề tư vấn tài chính cá nhân ở đây thì lại đứng ở phía ngược lại, tức là đứng về phía người mua.
“Nghề phục vụ lợi ích cho người mua và nhận tiền từ người mua. Đây là bản chất nghề nghiệp hoàn toàn khác nhau cùng với đó cách tư duy cũng hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, không thể lẫn lộn trong câu chuyện môi giới hiện nay với cái nghề tư vấn tài chính vì bản chất cơ bản đã khác nhau”, ông Ánh chia sẻ.
Hoạch định tài chính cá nhân sẽ có tính vùng miền rất cao. Do đó, vấn đề này cần phải được quan tâm khi áp dụng cái chung trên toàn Việt Nam. Ngoài những nguyên tắc chung thì đặc biệt phải tính đến chất lượng vùng miền thậm chí từng giai tầng xã hội một.
TS. Vũ Đình Ánh
Quan trọng hơn cả, theo ông Ánh, ngoài bộ tiêu chuẩn về nghề, thì tiêu chuẩn hay chuẩn mực của hoạch định tài chính cá nhân rất cần thiết. Đây là một bài toán rất thú vị. Nếu như coi nhà đầu tư là một đội bóng thì họ sẽ không muốn trở thành huấn luận viên tuyệt vời nhưng phải trở thành một cầu thủ tuyệt vời, một đội bóng tuyệt vời.
"Tóm lại bản thân người hoạch định tài chính cá nhân phải là một người hoạch định tài chính của bản thân tuyệt vời trước. Họ sẽ được đánh giá trên những tiêu chí về năng lực. Điều đáng băn khoăn ở đây là những người hoạch định tài chính cá nhân sẽ là ai?", ông Ánh nói.
Hiện tại, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam quyết định thành lập và ra mắt Hội đồng chuẩn hóa hoạch định tài chính cá nhân, nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn về hoạch định tài chính cá nhân. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam. Hội đồng hướng tới 5 mục tiêu chính.
Thứ nhất, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn hành nghề, tiêu chuẩn đạo đức và chuẩn hóa chương trình đào tạo Hoạch định tài chính cá nhân – Financial Planning.
Thứ hai, tham gia vào quá trình giám sát đào tạo, giảng dạy các khóa học về hành nghề Hoạch định tài chính cá nhân - Financial Planning.
Thứ ba, xây dựng cộng đồng các nhà hoạch định tài chính, nâng cao chất lượng và quản lý các kỳ thi cấp chứng chỉ cho các nhà hoạch định tài chính.
Thứ tư, phổ cập tài chính và nâng cao tri thức tài chính cho người dân Việt Nam.
Thứ năm, thúc đẩy, vận động, liên hệ với các cơ quan liên quan có thẩm quyền để công chứng nhận chứng chỉ Hoạch định tài chính các nhân của Hiệp hội có giá trị đáp ứng tiêu chuẩn của chứng nhận chất lượng cao nhất cho người làm nghề Hoạch định tài chính cá nhân, Tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam.