MBS: Dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong cuối năm 2024
Lãi suất đầu vào các kỳ hạn dưới 6 tháng và 24 tháng được điều chỉnh tăng 0,1%/năm. MBS cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2024...
Trong báo cáo về thị trường tiền tệ tháng 8, Chứng khoán MBS kỳ vọng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024.
Chỉ số DXY tiếp đà lao dốc trong suốt tháng 8. Khởi đầu tháng ở mức 104,4, chỉ số DXY liên tục giảm và chạm đáy ở mức 100,7 - mức thấp nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây vào cuối tháng. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể, giảm từ mức đỉnh 7,1% vào năm 2022 về mức 2,5% vào tháng 7, đang tiến gần hơn đến mức mục tiêu 2% của Fed.
Qua đó, Chủ tịch Fed đã tự tin tuyên bố chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát và tin rằng đã đến lúc để điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, thời điểm cũng như tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào những dữ liệu sắp tới và triển vọng của nền kinh tế.
Hiện thị trường đang dự báo có 71,5% khả năng Fed sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất về mức 5% - 5,25% vào tháng 9.
Áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm đáng kể trong tháng 8 nhờ sự suy yếu của
đồng USD. So với đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng hiện đã sụt giảm 1,4% xuống mức 24.860 VND/USD, đánh dấu mức tăng 2,1% so với đầu năm. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm mạnh xuống mức 25.250 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đang niêm yết tại 24.254 VND/USD, tăng lần lượt 2% và 1.7% so với đầu năm 2024.
MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.800 – 25.000 VND/USD trong Quý 4 nhờ những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực xấp xỉ 14,1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024, dòng vốn FDI 12,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ tăng 51% so với cùng kỳ trong 7 tháng năm 2024). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Đà tăng của lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục duy trì trong tháng 8 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang lấy lại đà phục hồi khiến các nhà băng phải điều chỉnh lãi suất nhằm thu hút tiền gửi.
Thêm vào đó, việc nợ xấu tăng cao (Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5.77% so với cuối năm 2023) cũng góp phần thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh việc huy động vốn mới nhằm đảm bảo thanh khoản.
Tính đến ngày 26/8, đã có tổng cộng 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng dao động trong khoảng 0,1% - 0,8%. Ở chiều ngược lại, có 4 ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào từ 0,1% - 0,3%. Đáng chú ý, Agribank là ngân hàg thứ ba trong nhóm NHTMCP quốc doanh điều chỉnh lãi suất huy động.
Cụ thể, lãi suất đầu vào các kỳ hạn dưới 6 tháng và 24 tháng được điều chỉnh tăng 0,1%/năm. MBS cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024
Nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lũy kế 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2% so với cùng kỳ, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) đạt 54,7 trong tháng 7. Đầu tư công và tư nhân lần lượt tăng 2,3% trong 7T2024 và 6,7% trong 6T2024.
Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng Thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2% - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các NHTM đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.