MSB báo lãi hơn 4.800 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022
Tổng thu nhập từ các hoạt động cốt lõi như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm đến 32% tổng thu nhập hoạt động của MSB...
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022.
Theo đó, kết thúc quý 3/2022, tổng tài sản MSB đạt trên 194.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ghi nhận hơn 112.100 tỷ đồng, tăng 14% so với quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng 38% so với 9 tháng năm 2021.
Tổng thu nhập từ các hoạt động cốt lõi khác như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư đạt hơn 2.500 tỷ, chiếm đến 32% tổng thu nhập hoạt động.
Đáng chú ý, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối lũy kế đạt gần 889 tỷ đồng, tăng 215% so với cùng kỳ năm trước; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lũy kế đạt 813 tỷ đồng, tăng trưởng 346% so với 2021.
Lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 47,4% so với quý 3/2021. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng cán mốc 4.824 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện hơn 70% kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo đại diện MSB, kết quả trên có được dựa vào chiến lược đa dạng nguồn thu của ngân hàng, nhằm giảm thiểu các biến động lãi suất của thị trường và đảm bảo tăng trưởng ổn định.
Thêm vào đó, việc đẩy mạnh số hóa và ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ thuận ích, kết hợp nền tảng khách hàng gắn kết lâu dài và cơ cấu tài sản sinh lời hiệu quả, tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi có sự cải thiện mạnh mẽ, đạt 38,25%. Một trong những nguyên nhân khiến CASA của MSB tiếp tục ở nhóm dẫn đầu ngành là nhờ ngân hàng có nhiều sản phẩm – dịch vụ có hàm lượng số hóa cao. Tính đến hết tháng 9/2022, MSB phục vụ hơn 3,5 triệu khách hàng cá nhân và gần 70.000 khách hàng doanh nghiệp.
Bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh, MSB cũng đẩy mạnh kiểm soát rủi ro và tối ưu chi phí. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/NHNN ở mức 1,08%, tiếp tục cải thiện so với mức 1,1% tại thời điểm 30/6/2022, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao, khoảng 95,7%.
Một số chỉ tiêu tài chính khác của MSB cũng đang duy trì ở mức tốt như: tỷ lệ CAR theo Thông Tư 41 đạt 12,5%; các hệ số thanh khoản khác như tỷ lệ cho vay/huy động vốn (LDR) đạt 74,3%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ mức 25,17%; chỉ số CIR ghi nhận 34,7%; biên lãi ròng (NIM) đạt 4,34%, cao nhất trong các năm gần đây.