Nạn buôn lậu qua khu vực biên giới ở Quảng Trị "nóng" lên
Trong 10 tháng đầu năm 2023, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại tỉnh Quảng Trị vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng...
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vừa làm việc với Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 10 tháng năm 2023.
Theo thông tin tại buổi làm việc, trong 10 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.609 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng 9,68% so với cùng kỳ năm trước.
Với trị giá hàng hóa 18,79 tỉ đồng, giảm 27,86% so với cùng kỳ năm trước. Có 1.320 đối tượng vi phạm, số tiền thu nộp ngân sách 43,67 tỉ đồng, tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh này đã xử lý hình sự 218 vụ/353 đối tượng, tăng 7,39% về số vụ và tăng 14,98% về đối tượng so với cùng kỳ năm trước.
Hàng lậu chủ yếu được tập kết sát khu vực biên giới Việt – Lào, vận chuyển qua sông Sêpôn, tập kết rải rác ở trong nhà dân; tuyến cửa khẩu Lao Bảo, La Lay, Quốc lộ 9, Quốc lộ 1 với nhiều hình thức tinh vi.
Mặt hàng đối tượng thường lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép là ma túy, pháo nổ, thuốc lá, đường kính trắng, rượu, bia, mỹ phẩm… có nguồn gốc từ nước ngoài. Riêng về mặt hàng đường nhập lậu, theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ, thu giữ hơn 200 tấn đường kính trắng Thái Lan không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; tổng trị giá hàng hóa tịch thu gần 3 tỉ đồng.
Đối tượng thường lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, có nhiều đường ngang từ biên giới vào nội địa, cư dân biên giới đa số là người dân tộc thiểu số, sinh sống sát bờ sông, trình độ dân trí thấp, không có việc làm… thuê cư dân biên giới, đối tượng tệ nạn xã hội, không công ăn, việc làm tham gia buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tỉnh Quảng Trị đề xuất với đoàn công tác Ban chỉ đạo 389 Quốc gia có cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử, các đơn vị nhận giao hàng hóa, hóa đơn bán hàng nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, có chính sách động viên, khích lệ các lực lượng tham gia phòng, chống buôn lậu...Tổ chức các lớp tập huấn cho các lực lượng chức năng về thương mại điện tử, phân biệt hàng thật hàng giả, xuất xứ..., đặc biệt là đối với các mặt hàng chuyên đề trọng điểm.
Các đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho các lực lượng chức năng; bố trí kinh phí xây dựng kho bãi để chứa, cất giữ hàng vi phạm.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trịnh Mạnh Cường nhấn mạnh, trong các tháng cuối năm là thời điểm chuẩn bị cho tết Nguyên đán 2024, các mặt hàng tiêu dùng phục vụ tết sẽ tăng về số lượng lẫn giá cả dẫn đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại cũng gia tăng.
Ông Cường đề nghị Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo các lực lượng, các ngành, các địa phương phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản, kế hoạch của trung ương, tỉnh trong các tầng lớp nhân dân về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và nội địa; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cũng như các chuyên đề, đặc biệt là tập trung vào tuyến biên giới, cửa khẩu và tuyến Đường 9, Quốc lộ 1.