Nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, câu chuyện xây dựng thương hiệu ngày càng được các doanh nghiệp trong nước quan tâm và chú ý nhiều hơn. Đây là vấn đề quan trọng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường...
Nhiều thương hiệu doanh nghiệp trong nước đã và đang không ngừng lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh và đón nhận của người tiêu dùng trong những năm qua.
Gần hai thập kỷ trôi qua kể từ năm 2003, sáng kiến tạo dựng và phát triển một cộng đồng doanh nghiệp “Thương hiệu Mạnh Việt Nam” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) - VnEconomy – Vietnam Economic Times khởi xướng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước.
Hàng nghìn thương hiệu doanh nghiệp đã được bình xét, công bố và vinh danh trong suốt 17 năm tổ chức chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam (2003-2020).
BỀN BỈ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2020-2021 (lần thứ 18) sẽ tôn vinh những nỗ lực, bản lĩnh kiên cường, bền bỉ của doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19.
Tôn vinh những sáng tạo không ngừng của doanh nghiệp, chủ động thích ứng, chuyển đổi số mạnh mẽ, phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đảm bảo tốt chính sách lao động việc làm, tích cực đóng góp trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
Top 100 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2020-2021 đã được khảo sát, bình xét dựa trên hồ sơ đăng ký tham dự của các doanh nghiệp, cũng như đề cử của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các chuyên gia nghiên cứu thương hiệu trên cả nước và Ban biên tập, bạn đọc của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times.
Các doanh nghiệp ở nhiều nhóm ngành đã quy tụ tại Thương hiệu Mạnh 2020- 2021 như: ngân hàng và dịch vụ tài chính, bất động sản – xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, bán lẻ - tiêu dùng, công nghệ - dịch vụ số.
Những doanh nghiệp trong các ngành này đã bền bỉ xây dựng thương hiệu trong nhiều năm qua và trở thành những đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ uy tín của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực xây dựng thương hiệu của nhiều doanh nghiệp, vẫn còn nhiều sản phẩm thương hiệu còn mờ nhạt với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều hàng Việt còn bị lép vế khi hàng từ các nước có FTA với Việt Nam vào ngày càng dễ dàng, với giá cả cạnh tranh.
Một trong những nguyên nhân chính khiến sức hút của các sản phẩm trong nước chưa cao là do các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu.
Tại một hội thảo mới đây, khi đánh giá về vị thế của sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Duy Phú, Lãnh sự Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, cho biết doanh nghiệp Trung Quốc nhập nhiều tôm từ Việt Nam, nhưng người dân ăn không biết đấy là tôm Việt Nam, họ chỉ biết tôm nhập khẩu.
Hay sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khá lớn nhưng khảo sát ở các siêu thị Quảng Đông thì không có sản phẩm gạo nào dán nhãn Việt Nam.
Phân tích lý do, ông Phú cho rằng Việt Nam xuất khẩu mạnh nhưng việc quảng bá thương hiệu tại thị trường nhập khẩu còn yếu. Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Quảng Đông từng nói thẳng, doanh nghiệp Quảng Đông nhập khẩu gạo Việt Nam để phối trộn làm thành thương hiệu riêng của họ. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Campuchia bán tại Trung Quốc có tên đoàng hoàng.
“Muốn xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh trách nhiệm của nhiều cơ quan, bộ ngành thì doanh nghiệp phải tính toán xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của chính doanh nghiệp mình”, ông Phú khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia thương hiệu nhận định, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng, cũng như thường xuyên cập nhật những thị hiếu mới của người tiêu dùng để tồn tại và tạo ra những lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh các kênh kết nối, quảng bá sản phẩm truyền thống lẫn hiện đại.
Do đó, để tạo nên các thương hiệu mạnh Việt Nam, thương hiệu cần gắn kết được với tâm trí khách hàng. Sự gắn kết luôn đến từ sự thấu hiểu. Vì thế doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến để nắm bắt được thị hiếu khách hàng của mình.
TẠO SỨC MẠNH CHO THƯƠNG HIỆU
Sự gắn kết của thương hiệu trong tâm trí khách hàng cần được duy trì thường xuyên và liên tục thông qua nhiều kênh khác nhau. Bởi xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài và cần đầu tư nhiều công sức. Khi công nghệ đã phát triển, doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để tương tác với khách hàng của mình nhằm duy trì một kết nối bền vững.
Bên cạnh đó, các thương hiệu mạnh luôn xác định rõ sự khác biệt của mình so với các đối thủ cạnh tranh và tập trung khai thác các điểm khác biệt này để truyền thông tới công chúng mục tiêu.
Một thương hiệu mạnh còn là thương hiệu cam kết dựa trên những gì mình làm tốt nhất và cũng tập trung làm tốt nhất những gì mình đã cam kết. Và hơn hết, sự nhất quán trong xây dựng nhận diện thương hiệu là rất cần thiết để khách hàng và công chúng có một cảm nhận về thương hiệu đúng với mong đợi.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), chia sẻ các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị trong quá trình chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, nếu không sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thị trường. Khi muốn đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử lớn, doanh nghiệp cần trau dồi, tìm hiểu kỹ những kiến thức liên quan, tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia tư vấn thương hiệu, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV, cho rằng sản phẩm phải đạt chất lượng cao, mang một hoài bão để khách hàng đi theo. Phát triển thương hiệu bây giờ không phải là ngồi một chỗ nghĩ xem sản phẩm mình sản xuất là gì, mà phải bắt đầu từ khách hàng.
Khách hàng là trung tâm nên cần nghe ngóng tìm hiểu khách hàng cần gì để sản xuất và ngay lập tức phải đạt được sản phẩm đưa ra thị trường. Trong quá trình đó không ngừng điều chỉnh sản phẩm của mình theo nhu cầu của khách hàng chứ không nên dò dẫm.
Còn theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn Thương hiệu Mibrand, trong bối cảnh hội nhập, để cạnh tranh được, doanh nghiệp bắt đầu thương hiệu phải từ gốc, đó là sản xuất ra những sản phẩm tốt, chắc chắn sản phẩm của mình có ưu điểm, ưu thế nhất định như kiểu dáng, chất liệu, uy tín, giá cả khiến người tiêu dùng bỏ tiền ra mua cảm thấy hoàn toàn yên tâm.
“Doanh nghiệp cần biết đầu tư vào công nghệ, sản xuất để tạo ra sản phẩm thực sự để người tiêu dùng chấp nhận được về chất lượng, giá cả, đó là điều kiện cần. Điều kiện đủ là làm các chương trình quảng bá truyền thông, xây dựng thương hiệu, marketing để người tiêu dùng biết đến cái hay, cái đẹp của sản phẩm, của doanh nghiệp, khi đó họ mới mua”, ông Mạnh nhấn mạnh.