Nga phát triển thành công vaccine chống ung thư mRNA, dự kiến triển khai quy mô lớn vào năm 2025
Vaccine chống ung thư mRNA của Nga sẽ được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích khối u…
Theo hãng thông tấn xã Nga (TASS), Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu y học X quang thuộc Bộ Y tế Nga, ông Andrey Kaprin đã chia sẻ với Radio Rossiya, hiện Nga đã phát triển vắc-xin mRNA chống ung thư của riêng mình và sẽ phân phối miễn phí cho bệnh nhân. Dự kiến, vaccine sẽ được lưu hành rộng rãi vào đầu năm 2025.
Đồng thời, ông cũng tiết lộ rằng, chi phí cho vaccine sẽ rơi vào khoảng 300.000 rúp/lọ nhưng phần chi phí này sẽ được chính phủ Nga tài trợ. Và nó sẽ tiếp tục tối ưu hóa khi công nghệ được tinh giản.
Sáng kiến mang tính đột phá này đã thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông.
Theo bà Veronika Skvortsova, giám đốc Cơ quan Y tế-Sinh học Liên bang, vaccine mRNA ung thư mới của Nga có tác dụng điều trị hơn là phòng ngừa vì nó kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật. Đồng thời bà cũng nhấn mạnh cách tiếp cận mới mẻ của loại vắc-xin này trong điều trị ung thư.
Vaccine mRNA được nghiên cứu bởi các trung tâm hàng đầu của Nga, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Quốc gia Gamaleya, Trung tâm Ung thư Blokhin và Viện nghiên cứu Ung thư Hertsen.
Việc miễn phí sử dụng vắc-xin chống ung thư mới của Nga như một cam kết nhấn mạnh động thái của quốc gia này hướng tới các giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn, tìm cách cung cấp các phương pháp điều trị chất lượng cao mà không gây gánh nặng tài chính cho cá nhân. Với chi phí giảm xuống khi quy trình sản xuất được cải thiện, sáng kiến này vẽ nên một bức tranh đầy hy vọng cho các phương pháp điều trị ung thư trong tương lai.
Theo thông tin từ các nhà khoa học, qua các thử nghiệm tiền lâm sàng, vaccine đã cho thấy hiệu quả đáng kể của mình khi có thể ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn với một số khối u ác tính đã hoàn toàn biến mất. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng được áp dụng vào phân tích khối u cho bệnh nhân, cá nhân hóa đến từng người để tạo ra sự phù hợp nhất.
Ông Alexander Gintsburg, giám đốc Trung tâm Gamaleya cũng chia sẻ những kết quả đầy hứa hẹn từ các thử nghiệm tiền lâm sàng: "Trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, loại thuốc do Nga phát triển đã cho thấy kết quả tốt: khối u, đặc biệt là khối u ác tính đã tan biến và làm biến mất được cả việc di căn", đó là điều mà rất nhiều bệnh nhân sau này sẽ được hưởng lợi từ phương pháp điều trị này.
Vaccine sẽ được thử nghiệm trên nhiều loại ung thư khác nhau.
Trong các cuộc thảo luận trên radio của Nga, ông Kaprin đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tạo ra các lựa chọn điều trị không chỉ cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu mà còn cho những người có thể đang chiến đấu với các dạng bệnh tiến triển. Việc cá nhân hóa như vậy đảm bảo hiệu quả, nhắm mục tiêu chính xác vào các loại ung thư cụ thể.
Việc triển khai các loại vaccine này không chỉ tượng trưng cho sự tiến bộ về công nghệ mà còn là sự thay đổi đáng kể hướng tới việc chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nga. Dự kiến, nó sẽ mở đường cho tỷ lệ sống sót và chất lượng cuộc sống được cải thiện cho bệnh nhân ung thư.
Song song với việc sản xuất và phân phối quy mô lớn đang dần hoàn thiện, việc cung cấp miễn phí các loại vaccine được cá nhân hóa của chính phủ Nga đã báo hiệu sự lạc quan về tương lai của việc điều trị ung thư, nâng cao tiêu chuẩn chăm sóc y tế và mở đường cho các sáng kiến tương tự trên toàn thế giới.
Sự phát triển này có tiềm năng biến đổi liệu pháp điều trị ung thư không chỉ ở Nga mà còn có thể trở thành mô hình cho các quốc gia khác. Cam kết cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe miễn phí phù hợp với nỗ lực xây dựng hệ thống y tế công bằng trên toàn cầu, khiến sáng kiến này đáng được theo dõi chặt chẽ.