Ngân hàng Nhà nước bất ngờ bơm tiền trở lại thị trường
Tuần vừa qua cũng đánh dấu việc Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tiền trở lại thông qua nghiệp vụ thị trường mở sau gần 4 tháng không phát sinh giao dịch. Song, giá trị bơm ròng của chỉ đạt vỏn vẹn 1,08 tỷ đồng...
Báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 7-11/6 của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, sau một vài tuần ghi nhận xu hướng tăng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã quay đầu giảm mạnh trong tuần vừa qua.
Cụ thể, nguồn cung VND từ các ngân hàng thương mại lớn dồi dào hơn đã khiến lãi suất liên ngân hàng giảm từ 0,3-0,32 điểm phần trăm so với tuần liền trước, chốt tuần ở mức 1,123%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,255%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Mặc dù giảm nhưng lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn cao gấp đôi lần so với quãng thời gian tháng 3 và đầu tháng 4. Tức, thanh khoản hệ thống được cải thiện nhưng cũng không còn được quá dồi dào.
Đáng chú ý, tuần vừa qua cũng đánh dấu việc Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tiền trở lại thông qua nghiệp vụ thị trường mở sau gần 4 tháng không phát sinh giao dịch. Song, giá trị bơm ròng của chỉ đạt vỏn vẹn 1,08 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày.
Được biết, tại lần gần nhất nhà điều hành bơm tiền ra thị trường thông qua kênh thị trường mở là tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Trong tuần đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 11.060 tỷ đồng.
Cũng trong tuần trước nhưng tại thị trường 1 (ngân hàng và doanh nghiệp), lãi suất tiền gửi tiếp tục ổn định ở mức 2,9-4%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,5-5,3%/năm với kỳ hạn 6-dưới 12 tháng; và 4,6- 6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng nhưng mức độ chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng khi một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng nhẹ (0,1 - 0,3 điểm phần trăm) với các khoản tiền gửi khách hàng cá nhân.
Ở một diễn biến liên quan, với bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm, xác suất các ngân hàng thương mại hủy ngang các giao dịch bán kỳ hạn USD đã ký kết vào tháng 1,2/2021 là rất thấp.
"Bởi vậy, trong tháng 7 và 8 tới, một lượng tiền đồng lớn sẽ được bơm ra thị trường, lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn, dự kiến lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn", nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 12.5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu tiếp tục giảm so với tuần trước, lần lượt là 210% và 70% dù lãi suất trúng thầu nhích tăng 1 bp ở kỳ hạn 10, 15 năm.
Luỹ kế trong 5 tháng đầu năm 2021, Ngân sách Nhà nước đang bội thu 86,3 nghìn tỷ đồng. Lượng phát hành trái phiếu chính phủ tăng mạnh trong tháng 5 nhưng giải ngân đầu tư công còn chậm, ước đạt 102 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2021, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 26%).
Bởi vậy, áp lực phát hành của Kho bạc Nhà nước không quá lớn. Trong khi đó, tháng 6 là tháng đáo hạn trái phiếu chính phủ nhiều nhất trong năm nay và việc cân đối nguồn tiền đồng từ bán ngoại tệ kỳ hạn trong các tháng tới làm tăng nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ nên lãi suất trúng thầu vẫn chịu áp lực giảm.
Lợi tức trái phiếu chính phủ vẫn giảm nhẹ trên thứ cấp. Chốt tuần ở mức 1 năm 0,41%; 3 năm 0,87%; 5 năm 1,09%; 10 năm 2,18%; 15 năm 2,46%; 20 năm 2,91%; 30 năm 3,08%. Thanh khoản thị trường giảm, tổng giá trị giao dịch tuần là 50,6 nghìn tỷ đồng – giảm 5,6% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 146 tỷ đồng, lũy kế vẫn mua ròng 6,94 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.