Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tín dụng năm 2023

Chia sẻ

Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cuối tuần trước, nhà điều hành cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chưa thể công khai phân bổ chỉ tiêu tín dụng theo xếp loại từng đơn vị, đồng thời, hé mở cơ chế điều hành tín dụng năm tới...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị về công tác điều hành tín dụng. Đây có lẽ là cuộc họp đặc biệt nhất vì kéo dài 7 tiếng và bàn đến một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong điều hành chính sách tiền tệ. 

CÔNG CỤ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, trước 2021 do đặc thù kinh tế Việt Nam, các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, đây là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh.

Giai đoạn 2007 - 2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao. Nhiều tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lên tới 2 con số, đỉnh điểm là vào năm 2008.

 

“Tăng trưởng tín dụng hàng năm đã được tính toán và xác định dựa trên các mô hình kinh tế lượng, căn cứ mục tiêu lạm phát, diễn biến kinh tế vĩ mô, tổng quy mô tăng trưởng tín dụng được xử lý khoa học. Tiêu chí phân bổ cho các ngân hàng càng ngày càng được làm chặt chẽ hơn theo Thông tư 52”.

(Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank) 

Lúc đó, các tổ chức quốc tế IMF, WB, Moody’s… cảnh báo nới lỏng tín dụng giai đoạn này đã gia tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với nền kinh tế, đe dọa an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát, nợ xấu...

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động ngân hàng.

Trước bối cảnh đó, từ năm 2011, kết hợp với việc siết chặt hoạt động thanh tra giám sát theo các tiêu chí an toàn của chuẩn mực quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng bám sát tình hình thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu hàng năm do chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

“Các tiêu chí chính sách phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị 01 của Thống đốc và đều được kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán, đánh giá thể hiện rõ nguyên tắc công khai, minh bạch”, ông Phạm Chí Quang nói.

Tổng kết quá trình triển khai biện pháp phân bổ tăng trưởng tín dụng từ 2011 đến nay, ông Quang cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm mạnh từ 30%/năm (cá biệt có năm lên tới 53,8%) xuống chỉ còn 12 – 14% những năm gần đây. Sự ổn định của thị trường tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

CHƯA BỎ "ROOM" TÍN DỤNG

Cũng tại hội nghị, đa số các tổ chức tín dụng được hỏi đều đánh giá tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 là phù hợp trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch. Trái lại, nếu để tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến nguy cơ chạy đua lãi suất giữa các tổ chức tín dụng và an toàn hệ thống.

Đồng thời, cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng tránh việc phân bổ cào bằng và việc thông tin riêng đến từng tổ chức tín dụng là cần thiết. Bởi lẽ, phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, đa số lãnh đạo các tổ chức tín dụng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, SHB, MB… đều nhận định, Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt với nhiều áp lực lớn, do đó việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng để tránh ảnh hưởng đến lạm phát là điều tất yếu.

Các ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả phát triển và thu hút vốn trung và dài hạn từ các kênh khác như trái phiếu, chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài… Nền kinh tế không nên quá phụ thuộc vào vốn tín dụng với bản chất kinh tế chủ yếu phục vụ vốn ngắn hạn và lưu động…

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một tham số kinh tế vĩ mô rất quan trọng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều kiểm soát chỉ tiêu này trực tiếp hoặc gián tiếp. Tại Việt Nam, từ 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ chỉ tiêu tín dụng, biện pháp này đã góp vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô…

Cùng chung quan điểm, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho rằng, thực tế nhiều năm qua đã chứng minh phương pháp điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cũng giúp các tổ chức tín dụng chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.

Theo ông Thái: “Nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện nay là rất lớn, tuy nhiên cũng không thể dồn hết vào hệ thống ngân hàng mà cần phải phát triển qua nhiều kênh khác”.

BẮT ĐẦU TÍNH TOÁN CHỈ TIÊU TÍN DỤNG NĂM 2023

Phát biểu kết luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng các ý kiến của các tổ chức tín dụng, các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước, thông qua trao đổi hai chiều tại Hội nghị, đã có sự đồng thuận trong đánh giá về bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng chịu nhiều áp lực.

“Các ý kiến tại Hội nghị đều đánh giá công cụ kiểm soát tín dụng là một công cụ hữu ích, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đã đóng góp tích cực đem lại ổn định cho nền kinh tế nói chung và ổn định hệ thống ngân hàng nói riêng, trong đó, các tổ chức tín dụng được hưởng lợi”, bà Hồng cho hay.

Mặc dù chưa thể đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu, kiến nghị của các tổ chức tín dụng nhưng Thống đốc cho biết, tất cả các ý kiến đều nhất trí, đồng thuận để cùng hướng đến mục tiêu chung vì ổn định vĩ mô và hệ thống tổ chức tín dụng.

Đối với các tiêu chí xác định tăng trưởng tín dụng hàng năm, ý kiến của các tổ chức tín dụng đều đồng thuận phải căn cứ vào xếp hạng theo Thông tư 52. Đây là tiêu chí khoa học và cơ bản nhất.

Bên cạnh đó, đề xuất về các nội dung ưu tiên xem xét khuôn khổ tín dụng 2023, đa số ý kiến cho rằng, tín dụng chỉ là một trong số các kênh vốn và không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đó cũng là điều mà không có quốc gia nào có thể thực hiện được.

Về lâu dài, đại diện các tổ chức tín dụng đều đề xuất cần kiến nghị phát triển các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, đầu tư công, thu hút vốn nước ngoài….

 

Đối với các tiêu chí xác định tăng trưởng tín dụng hàng năm, ý kiến của các tổ chức tín dụng đều đồng thuận phải căn cứ vào xếp hạng theo Thông tư 52. Đây là tiêu chí khoa học và cơ bản nhất.

Do đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tập trung truyền thông, đây là công việc của cả ngành và Vụ Truyền thông chịu trách nhiệm đầu mối để dư luận hiểu về việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung điều hành tín dụng nói riêng. Các tổ chức tín dụng cũng cần chú ý giải thích để người dân và doanh nghiệp hiểu.

Đặc biệt, đối với các kiến nghị về tiêu chí xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cách thức phân bổ,… Thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi,… để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng và điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con