Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu kiểm soát việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt việc tài trợ các lĩnh vực bất động sản, BT, BOT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động; trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.
Theo trên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng.
Cụ thể, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.
Công văn cũng nêu rõ để chuẩn bị việc xây dựng phương án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động đến ngày 31/12/2021.
Thời điểm gần nhất và rà soát tình hình, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Trước đó, thông số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04% (số liệu tính đến ngày 20/3 là 4,03%) và tương đương với mức tăng 15,9% so với cùng kỳ. Như vậy, quy mô tín dụng đã tăng gần 526 nghìn tỷ đồng chỉ trong quý 1/2022 và hơn 100 nghìn tỷ đồng chỉ trong 10 ngày cuối tháng.
Nhìn nhận về con số này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng bứt tốc từ ngay từ đầu năm chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực, các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Tú cũng chia sẻ thêm, mục tiêu tăng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đánh giá các mục tiêu chính sách tiền tệ để có thể điều chỉnh vào cuối năm cho phù hợp với diễn biến điều hành kinh tế vĩ mô.