Ngân hàng Trung ương Singapore cảnh báo rủi ro giữa lúc giá Bitcoin cao chưa từng thấy
Lời cảnh báo rủi ro được nhà chức trách Singapore đưa ra trong bối cảnh giá Bitcoin lập kỷ lục mới trên mốc 68.000 USD...
Cơ quan Giám sát tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương kiêm cơ quan giám sát tài chính của nước này, ngày 9/11 cảnh báo “sự biến động mạnh mẽ do đầu cơ” và rủi ro tiềm tàng đối với các nhà đầu tư cá nhân rót vốn vào tiền ảo. Lời cảnh báo được nhà chức trách đưa ra trong bối cảnh giá Bitcoin lập kỷ lục mới trên mốc 68.000 USD.
MAS “bất an về tiền ảo ở vai trò một kênh đầu tư đối với các nhà đầu tư cá nhân” – Giám đốc điều hành của cơ quan này, ông Ravi Menon, phát biểu tại sự kiện công nghệ tài chính Singapore Fintech Festival.
Giá Bitcoin vào lúc hơn 17h chiều ngày 9/11 theo giờ Việt Nam đứng ở 68.060 USD, tăng hơn 3% so với cách đó 24 tiếng. Đây là vùng giá kỷ lục của đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới.
Giá của đồng tiền ảo lớn thứ nhì về giá trị vốn hoá là Ether cũng đang ở vùng kỷ lục. Cùng thời điểm trên, mỗi đồng Ether có giá 4.805 USD, tăng gần 1,5%.
Giá Bitcoin đã tăng 130% từ đầu năm đến nay, trong khi giá Ether tăng 550%. Cả hai đồng tiền ảo này đều biến động mạnh trong năm nay.
Hồi tháng 5, hàng trăm tỷ USD vốn hoá đã bị cuốn phăng khỏi thị trường tiền ảo, sau khi CEO Elon Musk của hãng xe điện Tesla đăng một dòng tweet nói rằng hãng này sẽ dừng việc chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán khi khách hàng mua xe.
“Giá tiền ảo không có bất kỳ sự ràng buộc nào với các yếu tố kinh tế nền tảng, và thường xuyên có những biến động mạnh mang tính chất đầu cơ”, hãng tin CNBC dẫn lời ông. “Các nhà đầu tư mua tiền ảo đối mặt nguy cơ thua lỗ nghiêm trọng”.
Đến thời điểm hiện tại, các quốc gia trên thế giới vẫn đang loay hoay trong vấn đề điều tiết tiền ảo. Tuy nhiên, đã có một quốc gia là El Salvador sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán chính thức.
Singapore có quan điểm tương đối cởi mở với tiền ảo và đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuật lợi cho sự phát triển của công nghiệp tiền ảo. Ông Menon nói MAS tin rằng chuỗi khối (blockchain) – một sổ cái số ghi lại các giao dịch và không thể bị chỉnh sửa hay xoá bỏ - và tiền ảo có thể mang lại “nhiều lợi ích tiềm tàng”. Một khả năng ứng dụng cao của tiền ảo là thúc đẩy các giao dịch thanh toán và tài chính thương mại xuyên biên giới một cách nhanh hơn, với chi phí thấp hơn – ông Menon nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu MAS cho biết Singapore không vội tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) để dành cho các giao dịch nhỏ lẻ. Một đồng tiền kỹ thuật số như vậy về bản chất là phiên bản điện tử của tiền giấy, điển hình như đồng Nhân dân tệ số mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang triển khai thử nghiệm.
“Việc phát hành một CBDC cho giao dịch nhỏ lẻ ở Singapore không phải là vấn đề cấp bách”, ông Menon nói. “Về một chủ đề gây nhiều tranh cãi và thu hút quá nhiều sự chú ý, chưa có một lý do nào ủng hộ hay chống lại một CBDC bán lẻ ở Singapore”.
Ông lập luận rằng tiền giấy vẫn sẽ tồn tại, nên nhu cầu cho một đồng Đôla Singapore kỹ thuật số “vẫn còn là một vấn đề phải bàn bạc ở thời điểm này”.
Ông Menon nhấn mạnh rằng một CBDC mang lại nhiều lợi ích như bao trùm tài chính, mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính cho người dân. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề quan trọng ở Singapore vì một tỷ lệ lớn người dân nước này đã có tài khoản ngân hàng và các phương thức thanh toán điện tử ở đảo quốc sư tử đã rất phổ biến, hiệu quả cao và cạnh tranh.
Một vấn đề nữa là liệu người dân Singapore có thoải mái nếu chỉ nắm tài khoản tiền gửi ở ngân hàng và không có tiền mặt trong tay. “Hiện tại, chưa có lý do mạnh mẽ nào để Singapore phát hành một CBDC bán lẻ”, ông Menon kết luận.
Dù vậy, MAS thừa nhận những lợi ích tiềm tàng của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành và sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để phát triển công nghệ và hạ tầng cần thiết cho việc phát hành một đồng tiền như vậy trong tương lai nếu cần, ông Menon cho biết.