Ngành bia co hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội

Vũ Khuê
Chia sẻ

Thống kê của các viện nghiên cứu kinh tế cho thấy từ năm 2020 đến nay, doanh số ngành bia liên tục suy giảm nên nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm lương khiến đời sống người lao động vốn đã khó khăn nay càng tiêu điều, tạo sức ép cho an sinh xã hội. Đó là chưa kể sự ảm đạm của ngành bia cũng tác động lan tỏa đến hàng chục ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản xuất – thương mại...

Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 14/11/2024.
Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 14/11/2024.

Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra. Đây là một trong số 13 dự án Luật được chính thức cho ý kiến trong kỳ họp quốc hội lần này.

Tại hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn với chủ đề “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững” ngày 14/11/2024 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết nền kinh tế vĩ mô suy giảm từ năm 2021, đến năm 2022 phục hồi mạnh nhưng khó khăn hơn từ quý 4/2022, đến năm 2023 khó khăn nhiều hơn và sang năm 2024 phục hồi khá nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức.

Kỳ vọng giai đoạn 2025-2030 nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng khá và ổn định hơn, nhưng rủi ro, thách thức vẫn khó lường.

70% DOANH NGHIỆP BIA CẮT GIẢM LAO ĐỘNG ĐỂ TIẾT KIỆM CHI PHÍ

Ngoài việc phải gồng mình chống chịu với khó khăn chung của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp ngành đồ uống còn đối mặt với “khó chồng khó”.

Đó là ngành không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn. Cùng với đó, khi dịch Covid-19 ập tới, các biện pháp hành chính về tránh tụ tập, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí... kéo dài đã tác động mạnh tới tiêu thụ đồ uống.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý hành chính vi phạm nồng độ cồn; chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40% cũng khiến ngành đồ uống đã khó lại càng thêm khó.

Mặt khác, ngành phải thực hiện các nghĩa vụ chính sách bắt buộc về bảo vệ môi trường từ năm 2024, chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu xanh, cắt giảm phát thải khí nhà kính...

Không chỉ vậy, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp; đặc biệt là rượu thủ công tự nấu (chiếm 63% lượng rượu tiêu thụ) hiện nằm ngoài sự quản lý. Lối sống, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp ngành phải thích ứng.

 
TS. Cấn Văn Lực.
TS. Cấn Văn Lực.

“Chúng ta cần tính toán mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn một cách hợp lý, hài hòa, có thời điểm và lộ trình tăng phù hợp hơn, có thể xem xét lùi thời điểm hiệu lực của luật đến ngày 1/1/2027. Nếu tăng nhanh quá, cao quá, doanh nghiệp sẽ bị sốc, tổng hòa lợi ích nền kinh tế bị suy giảm, thậm chí còn tác dụng ngược liên quan tới hành vi lách luật, điều tiết sang hành vi tiêu dùng không mong muốn”.

Bức tranh “tối màu” này đã khiến kết quả kinh doanh của ngành đồ uống không có nhiều khả quan. Giai đoạn 2021-2023, lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống giảm bình quân 10%/năm.

Bộ Công Thương dự báo năm 2024, doanh thu của ngành tăng khoảng 10-12%, nhưng đây là mức tăng so với mức rất thấp của năm 2023, còn nếu so với trước dịch Covid-19 thì vẫn đang bị suy giảm.

Quy mô ngành đồ uống khoảng 27 tỷ USD doanh thu, trong đó đồ uống không cồn đạt doanh thu 10,22 tỷ USD chiếm 38%, đồ uống có cồn gần 17 tỷ USD, chiếm 62%. Đóng góp ngân sách nhà nước của ngành khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm (riêng thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm trên 40 nghìn tỷ đồng/năm), trong đó ngành bia chiếm 75%.

Giai đoạn 2021-2023, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm: năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10% so với năm 2022. Thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm.

Năm 2024, hàng tồn kho ngành đồ uống tiếp tục tăng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận...

Nếu đánh giá theo giá cổ phiếu của ngành, các nhà đầu tư có cái nhìn rất tích cực vì đây là lĩnh vực thiết yếu. Giá cổ phiếu vẫn tăng khoảng 27%, nhưng trong lĩnh vực ăn uống (liên quan tới nhà hàng, khách sạn) giá cổ phiếu giảm… chứng tỏ còn nhiều khó khăn.

Ngành bia co hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội - Ảnh 1

TS Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương, cho biết thêm: Sabeco và Habeco hiện là hai trong bốn thương hiệu nắm phần lớn thị phần trên thị trường bia tại Việt Nam, cùng với hai doanh nghiệp ngoại là Heineken và Carlsberg.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến tốc độ tăng trưởng của ngành bia giảm nhanh: -15% và -10,6% vào năm 2020 và 2021. Sau khi bật tăng vào năm 2022 thì năm 2023, tốc độ tăng trưởng chỉ còn –4,3%. Doanh thu ngành bia năm 2023 đạt 5,06 tỷ USD, thấp so với những năm trước đây, nhưng cũng đã tăng trở lại sau đại dịch Covid-19. Sản lượng bia năm 2023 đạt khoảng 4,17 tỷ lít bia. 50% số doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2021, hơn 70% doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp giảm chi phí, giảm lao động, thu nhập lao động giảm đến 10%.

“Những ngành, lĩnh vực liên quan tới yếu tố đầu vào và đầu ra của ngành bia như máy móc, thiết bị; xây dựng nhà xưởng; lắp đặt, sửa chữa máy móc, bảo dưỡng thiết bị,… các mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ, tiêu dùng tại chỗ, xuất khẩu, nhập khẩu; vận chuyển; kho bãi… cũng bị ảnh hưởng tiêu cực”, TS. Vương Quang Lượng cho biết.

ĐỀ XUẤT LÙI THỜI ĐIỂM HIỆU LỰC CỦA LUẬT ĐẾN NĂM 2027

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nếu tăng thuế đối với đồ uống có cồn thì tác động tới 62% thị trường của ngành. “Chúng ta cần tính toán mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn một cách hợp lý, hài hòa, có thời điểm và lộ trình tăng phù hợp hơn, có thể xem xét lùi thời điểm hiệu lực của luật đến ngày 1/1/2027. Nếu tăng nhanh quá, cao quá, doanh nghiệp sẽ bị sốc, tổng hòa lợi ích nền kinh tế bị suy giảm, thậm chí còn tác dụng ngược liên quan tới hành vi lách luật, điều tiết sang hành vi tiêu dùng không mong muốn”, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo.

Đồng ý việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống giúp tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, thu hẹp quy mô và giá trị sản xuất, giảm giá trị tăng thêm của nền kinh tế, giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt cần có đánh giá tác động đầy đủ, khoa học, khách quan; tăng cường đa dạng hóa nguồn thu, thay vì tận thu”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị; đồng thời, TS. Cấn Văn Lực gợi ý cân nhắc những mặt hàng đưa vào diện chịu thuế cần làm rõ trên nhiều cơ sở khoa học, thực tiễn, phù hợp với đặc thù Việt Nam. Đánh giá tác động ngân sách cần đa chiều hơn kể cả trước mắt và lâu dài.

 
TS Vương Quang Lượng.
TS Vương Quang Lượng.

“Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia cần đảm bảo sự cân bằng và bền vững lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu để ảnh hưởng đến sản xuất sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội khác như: việc làm, nạn hàng giả, hàng nhập lậu... Do đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần bảo đảm sự công bằng xã hội, vừa bảo vệ ngành đồ uống trong nước, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Hơn nữa, đòi hỏi sự đồng bộ nhiều chính sách, vì một thứ thuế không giải quyết được vấn đề mà cần tăng chi ngân sách cho tuyên truyền, cho giáo dục, phòng chống buôn lậu,... cùng với đó, tăng năng lực của cơ quan thu thuế. Đặc biệt, cần rà soát để có sự đồng bộ với nhiều luật khác như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quảng cáo, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường...

Theo TS. Vương Quang Lượng, việc tăng hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia đều có tác động lớn đến các chủ thể có liên quan, bao gồm cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng sẽ làm tăng thu ngân sách theo số lượng tuyệt đối, nhưng về lâu dài làm giảm nguồn thu do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này giảm đi, xu hướng dịch chuyển sang các mặt hàng khác thiếu sự quản lý của Nhà nước.

“Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia cần đảm bảo sự cân bằng và bền vững lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu để ảnh hưởng đến sản xuất sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội khác như: việc làm, nạn hàng giả, hàng nhập lậu... Do đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần bảo đảm sự công bằng xã hội, vừa bảo vệ ngành đồ uống trong nước, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”, TS. Vương Quang Lượng nhấn mạnh.

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt phải hướng đến thực hiện mục tiêu điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần đi kèm với việc tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, vấn đề hàng giả, buôn lậu.

Chính sách thuế phải bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và thể hiện trách nhiệm xã hội khác của các doanh nghiệp ngành bia. Việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cần có lộ trình cụ thể; đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động đến các đối tượng nộp thuế...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành bia co hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội - Ảnh 2

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con