Ngành chế biến gỗ vẫn có sức hút lớn
Vượt qua rất nhiều khó khăn về thị trường, giá cước vận chuyển tăng cao, xuất khẩu đồ gỗ vẫn tăng trưởng rất mạnh. Chế biến gỗ vẫn là ngành có sức hút lớn cho đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài...
Tại buổi làm việc với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam ngày 23/4/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu phải xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam, đưa giá trị sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt tăng cao hơn, từ 18 đến 20 tỷ USD vào năm 2025 và 23-25 tỷ USD vào năm 2030.
NHỌC NHẰN VỚI CHI PHÍ VẬN CHUYỂN
Báo cáo Bộ trưởng, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Đỗ Xuân Lập phân trần, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt giá trị gần 12,5 tỷ USD trong năm 2020.
Riêng 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 3,699 tỷ USD, tăng 41,5 % so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc hiện nay chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Theo ông Lập, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức. Trước hết là chi phí cước vận tải tăng cao. Ví dụ, tại thị trường Mỹ, dự kiến trong năm 2021 xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường này sẽ đạt trên 7,8 - 8 tỉ USD, ước cần khoảng 500 nghìn container.
Tuy nhiên, giá cước xuất khẩu sang thị trường này đang biến động mạnh, trước tháng 9/2020 mức giá một container sang thị trường Mỹ ở mức 4.000- 5.000 USD/ container, trong quý 1/2021, mức cước giao động từ 8.000- 9.000 USD/container (cá biệt có thời điểm, doanh nghiệp phải trả giá cước ở mức 11.200 USD/container).
Trong khi đó tại thị trường châu Âu, giá cước đường biển tăng từ 400-500 USD/container ở chiều nhập khẩu, mức cước trung bình thời điểm tháng 11/2020 ở mức 1.100 USD/container 40feet, thì tới tháng 3/2021 tăng lên 1.500 USD/ container 40feet.
ĐẦU TƯ NHIỀU HƠN VÀO CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đã vượt khó, đưa xuất khẩu gỗ luôn đạt tăng trưởng rất cao. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp 5 lần trong 15 năm qua, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 khoảng 8 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2020 và năm 2020 đạt trên 13 tỷ USD.
Qua đó, đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ quốc tế. Năng lực chế biến gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng nhanh về quy mô, số lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thu hút ngày càng nhiều đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân.
“Nếu như năm 2006 Việt Nam có khoảng 1.200 doanh nghiệp chế biến gỗ hoạt động, thì đến thời điểm hiện nay cả nước đã có gần 6.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong có khoảng 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6,5 tỷ USD” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp đã và đang chú trọng đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, sản xuất được nhiều sản phẩm phức tạp. Điều này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất được nhiều mặt hàng cao cấp, có chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cũng có sự gia tăng cao, đến nay có khoảng hơn 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm 55-60%.
“Cộng đồng các doanh nghiệp ngành gỗ cần tiếp tục đầu tư các nhà máy chế biến gỗ có công nghệ tiên tiến với công suất phù hợp với từng vùng nguyên liệu rừng trồng; áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa để giảm chi phí lao động, tiết kiệm và tận dụng nguyên liệu đưa vào chế biến, đồng thời tạo ra độ đồng đều và đảm bảo chất lượng sản phẩm”, Bộ trưởng khuyến cáo
Nên đầu tư vào các dự án sử dụng phế phụ phẩm từ chế biến gỗ, sản xuất keo dán gỗ và phụ kiện cho công nghiệp chế biến gỗ. Cùng với đó, cần phát triển triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị lâm nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ cho ngành chế biến gỗ. Đồng thời, phải xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam. Phấn đấu đưa giá trị sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt 18 đến 20 tỷ USD vào năm 2025 và 23-25 tỷ vào năm 2030.