Ngành công nghiệp Wellness toàn cầu được định giá hàng nghìn tỷ USD
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn diện - Wellness - đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua. Quy mô của ngành công nghiệp này thậm chí đã vượt qua GDP của nước Đức, theo một báo cáo công bố gần đây...
Hậu đại dịch, hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm những cách thức tốt nhất để chủ động chăm lo cho sức khỏe tổng thể của mình, đồng thời nhận thức rõ hơn về tất cả các phương pháp khác nhau mà chúng ta có thể và nên thực hiện để chăm sóc bản thân. Chăm sóc sức khỏe toàn diện là đưa ra những lựa chọn lối sống lành mạnh và duy trì sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
WELLNESS GỒM NHỮNG MÔ HÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NÀO?
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người trên thế giới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của Wellness, và xu hướng này khiến giá trị của ngành này tăng lên từng năm. Theo Statista, quy mô thị trường sức khỏe và chăm sóc sức khỏe toàn cầu ước tính đạt trên 4,3 nghìn tỷ USD vào năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 7 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Theo báo cáo mới từ Viện Wellness Toàn cầu (GWI), một tổ chức hàng đầu trong ngành, ngành công nghiệp Wellness đạt giá trị doanh thu lên tới 5,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận này cho biết ngành này đã tăng trưởng từ 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2013; đến năm 2027, dự kiến sẽ tăng trưởng thêm 57%, lên 8,5 nghìn tỷ USD, gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội của Đức.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên trước sức chống chịu của nền kinh tế Wellness toàn cầu và tốc độ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch", bà Katherine Johnston, nghiên cứu viên cấp cao tại GWI, cho biết trong một thông cáo báo chí. GWI dự đoán nền kinh tế Wellness sẽ quay trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Họ dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 8,6%, và nền kinh tế Wellness dự kiến sẽ đạt 8,5 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Mặc dù đang bùng nổ, quy mô thực sự của ngành Wellness vẫn chưa được thống nhất. Wellness có thể được coi như một thuật ngữ bao trùm cho rất nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Trong báo cáo của mình, Viện Wellness Toàn cầu (GWI) định nghĩa ngành này là "sự tích cực theo đuổi các hoạt động, lựa chọn và lối sống dẫn đến trạng thái khỏe mạnh toàn diện".
Trong nghiên cứu, GWI chia nhỏ Wellness thành nhiều hạng mục rộng lớn, trong đó hạng mục lớn nhất - chăm sóc cá nhân và sắc đẹp - có giá trị ước tính 1,08 nghìn tỷ USD. Phân khúc phụ này bao gồm các dịch vụ chăm sóc da, chăm sóc tóc hoặc móng.
Ngay sau đó là hạng mục ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng và giảm cân, trị giá 1,07 nghìn tỷ USD; con số này không bao gồm thị trường thuốc giảm cân theo toa đang phát triển nhanh chóng như Ozempic. Các hạng mục khác của ngành công nghiệp Wellness mà GWI đưa ra bao gồm du lịch chăm sóc sức khỏe (ngành công nghiệp trị giá 651 tỷ USD); các hoạt động thể chất như đến phòng gym; và y tế cộng đồng, cùng với y học cổ truyền và thực phẩm chức năng bổ sung.
Trong một trong những thay đổi lớn nhất kể từ trước đại dịch, chi tiêu cho y tế công cộng, phòng ngừa và y học cá nhân hóa đã tăng mạnh nhất, lên 611 tỷ USD vào năm 2022 từ 358 tỷ USD vào năm 2019. Báo cáo này bao gồm việc tầm soát sức khỏe cho Covid-19 và ung thư trong phạm vi đánh giá.
Đặc biệt, mô hình Wellness đang phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây chính là du lịch chăm sóc sức khỏe và “chữa lành tâm hồn”. Ngành du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, với quy mô thị trường toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2030. Các ước tính cho thấy thị trường này sẽ vượt quá giá trị 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo Statista.
Về việc cá nhân chi tiêu nhiều nhất cho chăm sóc sức khỏe, chi tiêu bình quân theo đầu người cao nhất là ở Bắc Mỹ, là 5.108 USD một năm - cao hơn nhiều so với mức 1.596 USD của châu Âu. Tất cả các khoản chi phí cho thành viên phòng gym, cắt tóc, vitamin, spa và các chuyến đi yoga đều được tính dồn lại.
XU HƯỚNG DU LỊCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường cũng cho biết: hàng triệu chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe được thực hiện trên toàn cầu mỗi năm, với gần 190 triệu chuyến du lịch nội địa được thực hiện chỉ riêng ở châu Âu vào năm 2020. Về các quốc gia dẫn đầu về chi tiêu du lịch chăm sóc sức khỏe, Mỹ đứng đầu danh sách, với chi tiêu trong ngành này vượt quá 162 tỷ USD vào năm 2020.
Các doanh nghiệp đang ngày càng nỗ lực tận dụng lợi thế từ xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe và nhu cầu về spa để thu hút thêm nhiều khách hàng. Equinox, doanh nghiệp vốn nổi tiếng với hệ thống phòng gym cao cấp, đã khai trương khách sạn đầu tiên tại Hudson Yards, New York, Mỹ vào năm 2019. Các phòng trong khách sạn được mô tả là "đền thờ phục hồi sức khỏe" và đến tháng 9 năm đó, khách sạn này đã được đưa vào danh sách 50 khách sạn tốt nhất thế giới.
Một khách sạn nổi tiếng khác ở New York, Aman New York, cũng có một khu chăm sóc sức khỏe ba tầng kết hợp giữa spa và phòng khám với các bác sĩ nội trú được đào tạo tại Harvard. Các bác sĩ có thể phân tích các xét nghiệm máu của khách hàng và thiết kế "chương trình chăm sóc sức khỏe chuyên sâu" cho họ, bao gồm liệu pháp oxy hyperbaric - điều trị bệnh bằng khí oxy cao áp.
Inge Theron, người sáng lập Facegym - hệ thống chăm sóc da mặt cao cấp nổi tiếng được các ngôi sao nổi tiếng tin dùng, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: "Mọi thương hiệu lớn đều nhận ra rằng chăm sóc sức khỏe là chiến trường mới cho các khách sạn siêu sang trọng. Trước đây, tiêu chí quan trọng là nhà hàng trong khách sạn có concept như thế nào, thì giờ đây câu hỏi đặt ra là khách sạn có gì trong khu spa. Đó không chỉ là việc có một hồ bơi lớn, mà còn là việc khách sạn có các bác sĩ và nhà khoa học thông minh nào trong đội ngũ nhân viên".
Bên cạnh đó, mặc dù là một trong những phân khúc nhỏ nhất, "chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc" (workplace wellness) cũng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Phân khúc này bao gồm các chương trình do nhà tuyển dụng thiết kế nhằm nâng cao sức khỏe và tinh thần của nhân viên, chẳng hạn như các lớp thể dục và giáo dục.
Giá trị của thị trường chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng từ 54,1 tỷ USD vào năm 2021 lên hơn 93 tỷ USD vào năm 2028. Châu Âu hiện là thị trường khu vực lớn nhất về chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc, tiếp theo là Bắc Mỹ, nơi ngành này được ước tính trị giá hơn 16 tỷ USD. Một số chương trình và sự kiện chăm sóc sức khỏe phổ biến nhất do các nhà tuyển dụng ở Hoa Kỳ cung cấp bao gồm tiêm vaccine cúm theo mùa tại chỗ, đánh giá rủi ro sức khỏe hàng năm và các cuộc thi thể dục do công ty tổ chức.