Ngành da giày trên đà khôi phục, dự báo xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt 26 - 27 tỷ USD

Vũ Khuê
Chia sẻ

Xuất khẩu da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhất là khối các thị trường EVFTA, CPTPP. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD...

Xuất khẩu của ngành da giày phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.
Xuất khẩu của ngành da giày phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép trong 7 tháng năm 2024 đạt 10,147 tỷ USD, tăng 10,4% và xuất khẩu túi xách đạt 1,621 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm 77,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (giày dép 79,3%, túi xách 70%).

XUẤT KHẨU SANG EVFTA, CPTPP TĂNG TRƯỞNG 2 CON SỐ

Nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của ngành da giày phục hồi mạnh mẽ từ những tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính chiếm 97,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (giầy dép 97,3 %, túi xách 94,8 %), gồm: Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (giầy dép 41,4 %, túi xách 47%), tiếp đến là EU (giầy dép 29,5 %, túi xách 25,4 %). Châu Á hiện chiếm 22,2 % về giầy dép và 24,5% về túi xách.

Tổng xuất khẩu da giày sang 16 nước lớn nhất (gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Đức, vương quốc Anh, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, UAE và Đài Loan) chiếm trên 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Đáng ghi nhận, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng 23,8%; thị trường CPTPP tăng 13,9%; thị trường Asean tăng 2,4%. Riêng khu vực các nước EAEU không có xuất khẩu do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ucraina.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024.

Từ chiều ngược lại, trong trong 7 tháng năm 2024, nhập khẩu thiết bị đạt 85,9 triệu USD, tăng 218% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu da thuộc đạt 1.068 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023. Những con số này phản ánh đầu tư mới và sản xuất của các doanh nghiệp đang trên đà khôi phục.

Mặc dù vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.

Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.

CẦN TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Mặc dù, da giày là một trong các ngành công nghiệp truyền thống của Hải Phòng, song ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, cho biết doanh nghiệp giày dép chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Không những vậy, thiết bị công nghệ của ngành da giày mới ở mức trung bình, chủ yếu được nhập khẩu từ Đài Loan (65,79%), Trung Quốc (23,68%) và một tỷ lệ nhỏ từ Nhật Bản, Đức, Ý.

Trình độ công nghệ của ngành da giày cũng chỉ ở mức trung bình. Năng suất lao động cũng như hiệu quả sản xuất của ngành còn hạn chế về ngắn hạn và dài hạn. Sản xuất phần lớn vẫn là gia công cho các hàng giày dép, túi xách nước ngoài.

Giày dép, túi xách xuất khẩu mới chỉ tăng về lượng, chưa tăng nhiều về chất. Khả năng đáp ứng các quy định đối với mặt hàng này theo cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do chưa cao… Những điều này dẫn đến nguy cơ làm giảm sự cạnh tranh của ngành giày dép trên thị trường quốc tế.

Xu hướng xanh hóa trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp da giày Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh.

Do đó, bà Xuân cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Để tiếp tục tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại, nhiều ý kiến cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước là vô cùng quan trọng. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã nhiều lần đề xuất hỗ trợ hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế,… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung.

Đồng thời cần có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia. Kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cần lập các nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ quan liên quan; tập trung xây dựng thương hiệu và có chiến lược xây dựng bài bản, hiệu quả; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào...); tập trung nâng cao chất lượng, chú ý phát triển bền vững...

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con