Ngành đường 2021: Trông chờ thuế tự vệ và kiểm soát đường lậu

M.Chung
Chia sẻ

Giá đường vẫn còn dư địa tăng khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ trong các tháng sắp tới

Giá đường nội địa được đánh giá vẫn còn dư địa để tăng trưởng từ mức giá hiện tại.
Giá đường nội địa được đánh giá vẫn còn dư địa để tăng trưởng từ mức giá hiện tại.

Quyết định áp dụng tạm thời mức thuế tự vệ và thuế chống bán phá với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan cùng kì vọng đường lậu được kiểm soát, nguồn cung đường trong nước thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá đường nội địa tiếp tục tăng mạnh, qua đó tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đường.

GIÁ ĐƯỜNG VẪN CÒN DƯ ĐỊA TĂNG

Trong một báo cáo về triển vọng ngành đường của SSI Research công bố ngày 15/3/2021, cho biết, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chu kỳ hồi phục của ngành đường, vốn bắt đầu từ cuối năm 2019, đẩy giá đường quay trở lại mức thấp nhất 10 năm. Tuy nhiên, giá đường hồi phục rất nhanh sau đó, và giá đường trung bình năm 2020 vẫn cao hơn 9,6% so với năm 2019, trong khi giá mua mía tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức thấp, giúp các doanh nghiệp trong ngành gia tăng đáng kể biên lợi nhuận gộp.

Ngành đường năm 2021: Kỳ vọng thuế tự vệ và kiểm soát đường lậu - Ảnh 1.

Diễn biến ngành trong năm 2020 - Nguồn: Bloomberg, SSI Research.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, mã chứng khoán SBT), Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) đều ghi nhận biên lãi gộp tăng ấn tượng lần lượt 600 và 680 điểm cơ bản, Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS) tăng 160 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 2/2020, cạnh tranh với đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan trở nên gay gắt, sau khi hiệp định ATIGA có hiệu lực kể từ đầu năm 2020. Theo VSSA, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan trong 11 tháng đầu năm 2020 lên tới 1,29 triệu tấn, tăng 330% YoY (tổng nhập khẩu 1,5 triệu tấn), trong đó có 509 nghìn tấn đường thô và 720 nghìn tấn đường luyện. 

Trong khi đó, đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan năm 2019 chỉ khoảng 157 nghìn tấn, chủ yếu là đường thô được nhập về để tinh luyện. Đường lậu được kiểm soát tốt hơn trong năm, tuy không có thống kê cụ thể, song được ước tính đã giảm rất mạnh so với mức 800 nghìn tấn của năm 2019. 

Theo thống kê mới nhất của tổ chức đường thế giới, vụ 2020/2021 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn đường, cao hơn mức ước tính trước đó là 3,5 triệu tấn. Giá đường thế giới đã tăng 11% kể từ cuối năm 2020 và tăng 56% từ mức đáy thiết lập vào tháng 4/2020. Mặc dù giá đường thế giới đã điều chỉnh mạnh sau khi lập đỉnh ngắn hạn vào cuối tháng 2/2021, nhưng theo SSI Research, giá đường vẫn còn dư địa tăng khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ trong các tháng sắp tới. 

Đường là thực phẩm thiết yếu và nhu cầu đối với mặt hàng này ít nhạy cảm với dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đường, khi đường sản xuất trong nước dự kiến niên vụ 2020/2021 chỉ đạt 600 nghìn tấn (-34% % YoY, theo ước tính mới nhất của VSSA). 

Ước tính nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vẫn ổn định với mức tăng trưởng khoảng 3- 5%/năm và đạt mức 2,2 triệu tấn trong năm 2021. Do vậy, nguồn cung trong nước hiện tại chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu. Phần còn lại sẽ được bù đắp bởi (1) đường luyện ngoài vụ từ đường thô nhập khẩu (2) đường lậu, tuy kỳ vọng giảm, nhưng vẫn tiếp diễn và (3) đường nhập khẩu chính ngạch chịu thuế. 

TRÔNG CHỜ THUẾ TỰ VỆ VÀ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG LẬU

Sau quá trình điều tra, mới đây Bộ Công Thương đã đưa ra quyết định áp dụng tạm thời mức thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá ở mức 48,88% với đường tinh luyện và 33,88% với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan, có hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày 17/2/2021, và có khả năng áp dụng hồi tố 90 ngày (trước ngày 17/2/2021) trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. 

Ngành đường năm 2021: Kỳ vọng thuế tự vệ và kiểm soát đường lậu - Ảnh 2.

Cân bằng cung-cầu đường thế giới (triệu tấn) - Nguồn: ISO.

Cùng với kỳ vọng đường lậu được kiểm soát, nguồn cung đường trong nước thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá đường nội địa tiếp tục tăng mạnh, hỗ trợ các nhà sản xuất đường gia tăng biên lợi nhuận gộp và cải thiện lợi nhuận. 

Do sản lượng mía niên vụ 2020-2021 được dự báo ở mức thấp, chỉ luyện được khoảng 600 nghìn tấn đường, đây sẽ là cơ hội để các nhà máy đường gia tăng công suất luyện đường thô ngoài vụ. Các nhà máy có vị trí địa lý gần nguồn nhiên liệu sinh khối ngoài bã mía (phế phẩm nông nghiệp như vụn gỗ, vỏ trấu) sẽ có lợi hơn về chi phí sản xuất ngoài vụ. 

Ví dụ như nhà máy đường An Khê của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) và một số nhà máy đường của SBT có vị trí địa lý thuận lợi như vậy, và có khả năng luyện đường tối đa lên tới 300 ngày/năm. Ngoài ra, LSS cũng có khả năng mua bã mía và dăm gỗ để luyện đường ngoài vụ tối đa thêm 2 tháng. 

SSI Research cho rằng, với mức thuế tự vệ tạm thời, lượng tồn kho giá thấp nhập khẩu từ Thái Lan từ cuối 2020 sẽ được bán ra mạnh ra thị trường trong quý 1/2021 và cạnh tranh về giá bán với đường nội địa trong ngắn hạn. 

Giá đường RS đã tăng từ mức 13.500 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2020 lên mức 15.000-16.000 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 2 năm nay trong khi đường RE cũng tăng từ 14.000 đồng/kg lên 16.500 đồng/kg vào thời điểm hiện tại. 

Giá đường nội địa được đánh giá vẫn còn dư địa để tăng trưởng từ mức giá hiện tại do (1) giá đường nội địa của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 30-40% và (2) chi phí nhập khẩu chính ngạch sẽ tăng khoảng 4.000-4.500 đồng/kg đối với đường RS/RE khi mức thuế 48,88% được áp dụng và (3) hiện tại đang là thời điểm chính vụ nên nguồn cung chưa bị thiếu hụt rõ rệt. 

Theo đó, giá đường có thể lên tới 17.000 đồng/kg, tiệm cận với mức giá đường nội địa của các quốc gia trong khu vực trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm giữa năm khi các nhà máy kết thúc vụ ép mía. Hiện giá mua mía tại ruộng của các nhà máy cũng đã tăng khoảng 15-20% so với giá mua mía niên vụ trước. 

Trong trường hợp đường lậu không kiểm soát hiệu quả thì giá đường trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đường lậu, nhất là khi thuế chống bán phá giá ở mức 48,88% tạo nên mức chênh lệch về giá khá cao giữa đường nhập khẩu và đường lậu. Những tháng đầu năm 2021, do Việt Nam kiểm soát biên giới rất chặt chẽ để ngăn chặn Covid-19, hoạt động buôn lậu đường cũng đã sụt giảm đáng kể. 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con