Ngành mía đường vẫn khó hồi phục dù đã áp dụng phòng vệ thương mại với đường Thái Lan
Niên vụ 2021-2022, toàn ngành mía đường đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường. So với niên vụ 2020-2022, sản xuất mía đường niên vụ vừa qua tăng hơn 11,6% về sản lượng mía ép và tăng 7,5% về sản lượng đường...
Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sự bế tắc đầu ra vẫn đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng ngành mía đường. Tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá cũng đã khiến cho việc phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn.
GIÁ THẤP, BẾ TẮC ĐẦU RA
Theo ước tính, mỗi năm nhu cầu nội địa của Việt Nam cần từ 2,1 - 2,3 triệu tấn đường, tức là sản lượng đường trong nước mới chỉ đáp ứng được 33% nhu cầu tiêu thụ.
Những diễn biến trên thế giới hiện tại đang tác động thúc đẩy tăng giá đường. Việc giá nhiên liệu liên tục đạt mức cao nhất trong hàng thập kỷ trong thời gian qua đã thúc đẩy sản xuất cồn sinh học (ethanol) từ mía. Giá năng lượng tăng dẫn đến nhu cầu đối với ethanol làm từ đường (chủ yếu ở Brazil) tăng lên khiến lượng đường xuất khẩu của Brazil sẽ ít hơn.
Việc nhiều cường quốc mía đường như Brazil và Ấn Độ tăng cường trực tiếp điều tiết sản lượng và gián tiếp kiểm soát giá đường thông qua “công cụ” là sản xuất ethanol đang dần thay đổi tính chu kỳ của ngành mía đường thế giới.
Công ty Czarnikow Sugar - nhà môi giới đường lớn nhất thế giới có trụ sở tại London nhận định, giá đường thế giới sẽ duy trì quanh mức 19,5-21 cents/pound, hiện đang ở mức cao nhất thế giới trong 5 năm gần đây.
"Nếu so sánh với các niên vụ trước đó nữa, thì sản lượng đường niên vụ 2021-2022 vẫn đang giảm mạnh, cụ thể giảm 33% so với niên vụ 2019-2020 và giảm 38% so với niện vụ 2018-2019. Nếu so sánh với sản lượng niên vụ 2017-2018 ở mức 1,4 triệu tấn đường thì rõ ràng sản lượng đã giảm chỉ còn bằng một nửa so với thời hoàng kim".
Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Thêm một động lực khác, hiện tại giá lương thực, thực phẩm tại nhiều nước đang lên các mức cao, khiến một số nước sản xuất nông nghiệp lớn tại châu Á đã tạm dừng xuất khẩu với lý do bảo vệ người tiêu dùng nội địa.
Ấn Độ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu đường, có hiệu lực từ ngày 1/6/2022, hiệu lực đến ngày 31/10 hoặc cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, Ấn Độ chỉ cho phép các doanh nghiệp địa phương xuất khẩu đường khi có sự cho phép đặc biệt của Chính phủ.
Sau khi lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ được ban hành, nhiều quốc gia cũng bị kéo vào làn sóng bảo hộ đường.
Cụ thể, Kyrgyzstan hạn chế xuất khẩu đường tới Kazakhstan nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi có một lượng lớn đường chảy từ Kyrgyzstan sang nước láng giềng. Trước đó, Kazakhstan cũng đã hạn chế xuất khẩu đường.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết giá bán đường của các nhà máy đường vẫn ở mức thấp, gây khó khăn cân đối giá thành sản xuất. Từ đầu năm đến nay, giá đường bán ra của các nhà máy dao động trên dưới 18.000 – 18.400 đồng/kg đối với đường tinh luyện; 17.200-17.400 đồng/kg đối với đường vàng.
Từ nửa cuối tháng 6 đến nay, thời tiết tại một số địa phương trong nước xuất hiện thời tiết nắng nóng, thông thường các năm trước là yếu tố hỗ trợ cho việc gia tăng tiêu thụ đường của các nhà máy.
Tuy nhiên năm nay, trong bối cảnh nên kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện của khối lượng lớn đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.
“Trong hoàn cảnh đó, các nhà máy dù có nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp, nhưng cũng không đẩy sản lượng tiêu thụ được", VSSA nhấn mạnh.
SẢN XUẤT TRONG NƯỚC GẶP KHÓ VÌ ĐƯỜNG LẬU
Theo Hiệp hội Mía đường, trong tháng 6 và tháng 7/2022, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia, Lào đang tràn vào.
Hiện giá đường trắng nhập lậu vào nước ta chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, tức là thấp hơn giá đường vàng trong nước. Cùng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu, các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa có Dự thảo kết luận vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía, đang trình lên Bộ Chính trị xem xét, chờ quyết định trong những ngày tới.
Theo đó, điều tra đã được thực hiện đối với sản phẩm đường mía thuộc các mã HS 1701.1300, 1701.1400, 1701.9100, 1701.9910, 1701.9990, và 1702.9091 nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 quốc gia: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Theo Dự thảo Báo cáo, Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia trong khối ASEAN đã gian lận xuất xứ khi xuất khẩu đường vào Việt Nam.
Với Campuchia, đã khẳng định Công ty Phnom Penh Sugar Co., Ltd là doanh nghiệp xuất khẩu duy nhất của Campuchia đã có hành vi lẩn tránh biện pháp Phòng vệ thương mại đang áp dụng với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Với Indonesia, Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp gian lận xuất xứ khi xuất khẩu đường sang Việt Nam, trong đó có các công ty PT. Kebun Tebu Mas; Công ty PT. Sentra Usahatama Jaya… Cơ quan điều tra cũng kết luận Công ty MSM Prai Berhad của Malaysia đã có hành vi lẩn tránh biện pháp Phòng vệ thương mại đang áp dụng với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
"Tính chung trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2021, lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã tăng mạnh từ 129% cho tới 13.925%".
Kết luận điều tra của Bộ Công Thương.
Cơ quan điều tra của Bộ Công Thương nhận thấy có sự dịch chuyển và gia tăng nhanh và mạnh lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra từ thời điểm kể từ khi Bộ Công Thương tiến hành áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.
Trái ngược với xu hướng này, lượng nhập khẩu đường xuất xứ Thái Lan bắt đầu giảm mạnh từ tháng 3 năm 2021, với mức giảm là -72%.
Đặc biệt, Cơ quan điều tra nhận thấy có rất nhiều quốc gia không có vùng nguyên liệu trồng mía hoặc sản lượng sản xuất rất hạn chế, nhưng đang xuất khẩu số lượng lớn vào Việt Nam kể từ khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan.
Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất mía đường trong nước vẫn không thể huy động thêm công suất một cách đáng kể, mặc dù biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường từ Thái Lan đã được áp dụng.
Với việc công suất thiết kế suy giảm liên tục do tình trạng đóng cửa của các nhà máy, ngành đường trong nước chỉ còn đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Diện tích trồng mía, lượng mía thu hoạch tiếp tục suy giảm cho thấy ngành sản xuất trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể cải thiện tình tình sản xuất, kinh doanh.