Nghệ An "ì ạch" giải ngân vốn đầu tư công
Với kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 mới chỉ đạt 34%, Nghệ An có nguy cơ lụt tiến độ nếu không có các giải pháp "chạy nước rút" trong những tháng cuối năm...
Sáng 17/8, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giao ban về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
45 DỰ ÁN CHƯA GIẢI NGÂN
Theo thông tin tại Hội nghị, năm 2023, kế hoạch đầu tư công tập trung được HĐND tỉnh Nghệ An giao là hơn 5.583 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là hơn 1.550 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 phải thực hiện là gần 7.135 tỷ đồng.
Tính đến ngày 10/8, tổng vốn đầu tư công tập trung mà tỉnh này đã giải ngân là 2.438 tỷ đồng, đạt 34,18% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch 2023 giải ngân đạt 36,02%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ 33,37%); nhưng nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 kéo dài sang 2023 mới đạt 27,54%.
Đến nay, Nghệ An đã có 24 đơn vị giải ngân trên 50% kế hoạch, có 35/70 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 34,18%), trong đó có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Một số đơn vị giải ngân thấp, có số vốn lớn như: Tương Dương (5,31%), Quế Phong (7,67%), Kỳ Sơn (19,08%), Thị xã Hoàng Mai (22,58%), Quỳ Châu (26,5%)...; Khối ngành: Sở Y tế (0%); Sở Du lịch (3,37%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (1,9%), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (3,24%)...
Tính theo số dự án (chưa bao gồm Chương trình Mục tiêu Quốc gia), Nghệ An có 87/160 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong đó có 45 dự án chưa giải ngân đồng nào với kế hoạch vốn 360 tỷ đồng. Một số đơn vị có nhiều dự án giải ngân chậm như: thị xã Hoàng Mai (5 dự án), Yên Thành (5 dự án), Sở Văn hóa và Thể thao (4 dự án)…
Một số cơ quan, đơn vị có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn, nhiều dự án giải ngân thấp cần tập trung chỉ đạo: Tương Dương còn 388 tỷ đồng, Kỳ Sơn còn 350 tỷ đồng, Quế Phong còn 237 tỷ đồng, Con Cuông còn 202 tỷ đồng, Quỳ Châu còn 183 tỷ đồng...; Khối ngành: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (còn 489 tỷ đồng), Sở NN&PTNT còn 215 tỷ đồng, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam còn 198 tỷ đồng, Sở Giao thông vận tải còn 391 tỷ đồng.
Đối với các dự án trọng điểm liên vùng đang tập trung triển khai thực hiện. Đối với 5 dự án/số vốn 748 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi, hiện mới giải ngân đạt 13,76%...
Về vốn đầu tư phát triển, tính đến ngày 10/8, tổng 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã giải ngân hơn 546 tỷ đồng/kế hoạch hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 26,14% kế hoạch, trong đó: giải ngân khá nhất là Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 61,3%; 2 chương trình giải ngân thấp là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi mới đạt 19,23%, trong đó kế hoạch năm 2023 mới đạt 11,93%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững mới đạt 3,47% kế hoạch, trong đó kế hoạch năm 2023 mới đạt 0,15%.
Về vốn sự nghiệp, tổng 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã giải ngân hơn 50 tỷ đồng/kế hoạch hơn 1.578 tỷ đồng, đạt 3,2% kế hoạch, trong đó cả 3 chương trình đều giải ngân thấp, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (đạt 8,72%); Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi (đạt 1,21%); Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (đạt 7,92%).
GIẢI PHÁP ĐỂ KHÔNG "LỤT" TIẾN ĐỘ
Nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An chậm, được chỉ ra tại Hội nghị là do giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động; công tác giao kế hoạch một số nguồn vốn vẫn còn chậm (như nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), quy trình thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp hơn so với dự án trong nước; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Chương trình Mục tiêu Quốc chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn...
Bên cạnh đó, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng. Năng lực chuyên môn của một số Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn… chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh thiết kế dự toán mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cấp uỷ, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng …
Cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia chưa sát sao, chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Việc hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện đối với một số quy trình, thủ tục còn chưa cụ thể, kịp thời; thời gian thẩm định của một số dự án kéo dài, nhất là thủ tục bổ sung danh mục đấu nối vào quốc lộ, thẩm định giá, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy…
Trước những vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, việc giải ngân các nguồn vốn này là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các cấp chính quyền với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chính quyền phối hợp với cấp ủy các địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời các địa phương, sở, ngành phải tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong giải ngân vốn đầu tư công để đôn đốc các nhà thầu thực hiện đảm bảo tiến độ. Chấn chỉnh lại công tác tổ chức của các Ban Quản lý dự án. Trong thời hạn 10 ngày/1 lần, các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư chậm báo cáo tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An tiếp tục đôn đốc các cơ quan, địa phương đã ký cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tổng hợp danh sách các nhà thầu chậm tiến độ, nợ ứng lớn; không bố trí các dự án mới đối với các chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ. Các Sở, ngành phối hợp với các chủ đầu tư dự án giải quyết các khó khăn vướng mắc.
Đối với 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, thực hiện bố trí nguồn vốn vừa được phê duyệt; các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Đối với Chương trình Phục hồi kinh tế, đề nghị các chủ đầu tư rà soát lại việc giải ngân nguồn vốn để điều hòa nguồn vốn còn lại. Trên cơ sở tiến độ giải ngân nguồn vốn năm 2023, các địa phương, sở, ngành xây dựng kế hoạch vốn năm 2024…