Nghiêm trị doanh nghiệp cố tình bóp méo thông tin, lừa đảo nhà đầu tư
Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhấn mạnh, những hành vi cố tình bóp méo thông tin trên thị trường để lừa đảo, dẫn dắt các nhà đầu tư đi sai hướng, cần có cơ chế để phát hiện kịp thời để xử lý và phải xử lý nghiêm khắc…
Năm 2018 chứng kiến bước ngoặt lịch sử của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công vượt tổng giá trị phát hành trái phiếu Chính phủ. Đến năm 2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 436 nghìn tỷ, bỏ xa mức 330 nghìn tỷ huy động trái phiếu Chính phủ.
KÍCH HOẠT SỰ BÙNG NỔ THỊ TRƯỜNG
Nhìn lại lịch sử phát triển của thị trường tài chính, cho đến tháng 7/2000, khi nhắc đến thị trường tài chính, chỉ nhắc đến hệ thống các ngân hàng thương mại, mà vắng bóng thị trường vốn. Bức tranh thị trường trái phiếu chỉ mới bắt đầu rõ nét vào năm 2009, khi thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Đến thời điểm này, trái phiếu Chính phủ đã đạt được những thành công hết sức tích cực, giúp thị trường trái phiếu Chính phủ tăng trưởng đột phá, không chỉ về quy mô, loại hình trái phiếu, mà kỳ hạn trái phiếu kéo dài lên đến 30 năm. Lãi suất phát hành 10 năm dưới 2%/năm, kỳ hạn 5 năm chỉ khoảng 1,1-1,2%/năm, chi phí phát hành của Chính phủ cực thấp. Lực lượng nhà đầu tư trên đa dạng, tính thanh khoản cao gần như đứng đầu khu vực. Với nền tảng trái phiếu Chính phủ ngày càng phát triển, có chiều sâu, tạo điều kiện tích cực để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhìn lại 4 năm trở lại đây, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công đã vượt khối lượng trái phiếu Chính phủ. Mặt khác, những năm trước, bên cạnh các chính sách lỏng về điều kiện, thủ tục phát hành…, Việt Nam còn cho phép trái phiếu doanh nghiệp chọn phương thức phát hành là, trái phiếu riêng lẻ được chào bán ra công chúng cho cả các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường thứ cấp, sau 1 năm kể từ ngày phát hành. Đây chính là quyết định gây bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2019-2020.
Chúng ta khơi thông được kênh dẫn vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được hình thành, hòa chung vào thị trường vốn và thị trường tài chính. Doanh nghiệp có thể lựa chọn kênh dẫn vốn trái phiếu, với nguồn vốn trung và dài hạn, lãi suất ổn định. Từ đó, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà máy xí nghiệp, các hoạt động đầu tư kinh doanh có tính chất dài hạn, giúp nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, dung lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu bắt đầu lớn và có những rủi ro.
Đến thời điểm cuối năm 2020, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành ngày 31/12/2020, đã xoá bỏ tình trạng phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường sau 1 năm. Tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phép bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Dù vậy, nền tảng hoạt động hiện tại vẫn sơ khai, từ cơ sở hạ tầng, chất lượng hàng hóa, chất lượng cơ chế chính sách, chất lượng chủ thể tham gia trên thị trường.
CUỘC CHƠI KHÔNG DÀNH CHO NHỮNG TAY MƠ
Tuy nhiên, không giống với Việt Nam, trên các thị trường lớn trên thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với những doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường trái phiếu, phải đáp ứng những tiêu chí và điều kiện nhất định về chất lượng của tổ chức phát hành, như quy mô hoạt động, uy tín trên thị trường, năng lực quản trị, mới có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Kênh dẫn vốn này rất hiệu quả, nhưng không phải dành cho tất cả, mà chỉ dành cho những doanh nghiệp có nỗ lực xây dựng thương hiệu, hình ảnh, chất lượng quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chí nhất định thì mới tận dụng được kênh dẫn vốn, để huy động và phát triển mạnh hơn.
Với những doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa và nhỏ có mức độ rủi ro kinh doanh cao, thông thường tiếp cận vốn các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Thử đặt câu hỏi, tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phát hành trái phiếu doanh nghiệp, liệu có nhà đầu tư nào dám mua, ngoại trừ nhà đầu tư am hiểu lĩnh vực của họ?
Chính vì vậy, giai đoạn đầu, các tổ chức phát hành ở Việt Nam thường là các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản lớn, đã định vị tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, với quy mô, năng lực quản trị và khả năng trả nợ tốt hơn những doanh nghiệp khác.
PHAO CỨU SINH CHO NHÀ ĐẦU TƯ
Thị trường phát triển nóng thời gian qua, ẩn giấu nhiều hệ luỵ cho nhà đầu tư. Vì vậy, trái phiếu phát hành trên thị trường, dù dưới hình thức riêng lẻ hay công chúng, đều cần có tổ chức trung gian, cần người đại diện sở hữu trái phiếu, đó là tổ chức trung gian tài chính có năng lực, giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp theo các điều kiện chào bán. Họ cũng chịu trách nhiệm trong về thủ tục pháp lý, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng điều kiện chào bán, các đơn vị này ngay lập tức phải kích hoạt điều khoản chấm dứt trước hạn, lập tức yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu. Nếu doanh nghiệp không lập tức mua lại trái phiếu, ngay lập tức xúc tiến ngay các thủ tục liên quan đến pháp lý, để siết và xử lý tài sản.
Mặt khác, 20% trái phiếu doanh nghiệp phát hành ở Việt Nam hoàn toàn phát hành bằng uy tín, không có tài sản đảm bảo. Rõ ràng, đến ngân hàng cho vay cũng cần tài sản bảo đảm, vì vậy, khi ban đầu chưa đủ uy tín, doanh nghiệp muốn hút được nhà đầu tư, phải dùng tài sản đảm bảo là chuyện bình thường.
Ở những thị trường vốn trong giai đoạn đầu phát triển, cần từng bước xây dựng uy tín cho các tổ chức phát hành.
Dù thời gian vừa qua, chưa thấy tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản, dẫn đến việc phải xử lý tài sản đảm bảo. Nhưng có thể thấy, những định chế lớn như ngân hàng còn gặp khó khi xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, chứ chưa nói đến những nhà đầu tư nước ngoài. Hay nhà đầu tư cá nhân bình thường muốn siết tài sản của doanh nghiệp như Đèo Cả, thì không bao giờ có cửa. Đây không phải vấn đề riêng của thị trường trái phiếu mà vấn đề chung của cả hệ thống pháp lý của thị trường tài chính.
NẮN DÒNG VỐN ĐI ĐÚNG LUỒNG
Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu nói riêng, hay thị trường vốn nói chung, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của tất cả các cấu phần, các thành phần tham gia vào sự vận hành của thị trường. Đồng thời, dù ở góc độ nào, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đều phải đặt ra bài toán cân bằng giữa rủi ro và lợi ích.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, một mặt, vừa muốn phát triển thị trường, phát triển nền kinh tế phát triển; mặt khác, muốn đảm bảo sự phát triển đó phải lành mạnh, không xảy ra khủng hoảng, đứt gãy. Nếu quản lý quá chặt, thị trường không phát triển được, lỏng quá thì gây khủng hoảng, vì vậy, cơ quan quản lý luôn luôn phải quan sát liên tục, điều chỉnh chính sách hài hòa.
Đối với doanh nghiệp, nếu lựa chọn phát hành ra công chúng, sẽ tiếp cận được nhà đầu tư rộng hơn, nhưng phải chịu trách nhiệm lớn hơn, như công bố thông tin minh bạch, có xếp hạng tín nhiệm, phải xin phép nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà hơn. Tuy nhiên, nền tảng đầu tư rộng hơn, chi phí vốn thấp hơn. Còn nếu chọn hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ, cơ hội tiếp cận nhà đầu tư thấp hơn rất nhiều, chi phí vốn sẽ cao hơn. Vậy doanh nghiệp sẽ đánh đổi, chọn lựa điều gì?
Điều quan trọng là, khung pháp lý phải đảm bảo các thông tin trong quá trình vận hành của các bên đều chính xác, minh bạch. Doanh nghiệp nào công bố thông tin sai, thiếu minh bạch, thì hệ thống pháp lý phải có khả năng giám sát, kiểm tra, thực thi pháp luật một cách chuẩn chỉnh. Đồng thời, những hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi cố tình bóp méo thông tin trên thị trường để lừa đảo, dẫn dắt các nhà đầu tư đi sai hướng với bản chất của thông tin và bản chất của giao dịch, là hành vi vi phạm pháp luật, có cơ chế để phát hiện kịp thời để xử lý và phải xử lý một cách nghiêm khắc.