Nghiên cứu: Chứng khoán mang lại lợi nhuận cao hơn bất động sản, làm tăng khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ
Chứng khoán đã tăng giá trị nhiều gấp năm lần so với mức tăng của bất động sản kể từ năm 1950, đồng nghĩa những người Mỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán thu về lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào bất động sản...
Với nhiều người Mỹ, sở hữu nhà là con đường tích lũy tài sản cho cả một thế hệ. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), không phải bất động sản, chứng khoán mới là hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn trong nhiều thập kỷ qua.
Theo báo cáo này, chứng khoán đã tăng giá trị nhiều gấp 5 lần so với mức tăng bất động sản kể từ năm 1950, đồng nghĩa rằng những người Mỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán thu về lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào bất động sản.
“Đây là một lý do làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo liên quan tới chủng tộc ở Mỹ. Người Mỹ da màu có nhiều tài sản nằm ở bất động sản hơn là cổ phiếu và điều này gây bất lợi cho họ”, Business Insider dẫn nghiên cứu của NBER cho biết.
Điều này cũng cho thấy thái độ đầu tư "phản trực giác" ở Mỹ nói chung. Một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York (Fed New York) năm ngoái cho thấy hơn 90% những người tham gia khảo sát thích sở hữu bất động sản hơn là đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Đa số những người được hỏi cũng thích việc trở thành chủ đất hơn là mua cổ phiếu, với hơn 50% nói rằng họ muốn sở hữu một bất động sản có thể cho thuê. Thậm chí sau một năm chứng kiến khả năng mua nhà xuống mức thấp kỷ lục, trong khi giá trị thị trường chứng khoán lập các kỷ lục mới, thái độ này vẫn được duy trì.
Trong suốt giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, mức độ tập trung tài sản của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ thế chiến thứ hai, với 0,01% hộ gia đình đứng đầu nắm giữ 36% tổng tài sản tư nhân cả nước.
BÁO CÁO CỦA NBER
"Sự ưa chuộng đối với bất động sản giảm xuống vào tháng 10/2020 nhưng đã trở lại mức trước đại dịch Covid vào tháng 2/2021”, nghiên cứu của Fed New York cho biết.
Theo báo cáo của NBER, dù thị trường chứng khoán đã tuột khỏi các mức đỉnh thiết lập trong đại dịch, đây là một hình thức đáng tin cậy để làm giàu nhưng cũng là nơi nhiều người không tiếp cận được. Một lý do cổ phiếu là khoản đầu tư tốt hơn được cơ quan này chỉ ra là giao dịch cổ phiếu không mất phí cao như giao dịch bất động sản và việc đa dạng hóa danh mục cổ phiếu cũng dễ hơn nhiều.
“Trong khoảng từ năm 1950-2019, nhà ở và các tài sản phi tài chính chiếm phần lớn danh mục đầu tư của người Mỹ da màu, so với chỉ 41% người da trắng. Trong khi đó, cổ phiếu của doanh nghiệp chỉ chiếm 7% danh mục người da màu, so với tỷ lệ 18% của người da trắng”, báo cáo chỉ ra. “Những đợt tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán đã dẫn tới gia tăng tài sản bất thường với nhóm người Mỹ giàu có nhất với đa số là người da trắng”.
Các nhà nghiên cứu của NBER cho biết trong suốt giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, mức độ tập trung tài sản của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ thế chiến thứ hai, với 0,01% hộ gia đình đứng đầu nắm giữ 36% tổng tài sản tư nhân cả nước.
Một báo cáo của Oxfam hồi tháng 5 cũng cho biết, trong đại dịch, cứ mỗi 30 giờ Mỹ lại có thể một tỷ phú, đồng thời dự đoán rằng cứ mỗi 33 giờ lại có 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2022.
Các nhà nghiên cứu của NBER kết luận rằng các chính sách phân phối lại của cải sẽ giúp giảm ngay sự bất bình đẳng giàu nghèo. Trái lại, các biện pháp về cơ cấu được triển hai dần dần có thể mất "hàng trăm năm" để phát huy tác dụng. Dù vậy, nhóm này nhấn mạnh cả hai cách đều quan trọng và cần thiết.
“Các chính sách phân phối lại của cải nhưng không giải quyết khoảng cách về chủng tộc trong tiết kiệm và lợi nhuận vốn thì sẽ chỉ có tác động nhất thời đến sự chênh lệch giàu nghèo”, nhóm nghiên cứu của NBER nói.