Nghiên cứu: Gỡ bỏ hạn chế phòng dịch có thể khiến 1,5 triệu người tử vong vì Covid ở Trung Quốc
Với kịch bản là hiệu quả và độ phủ vaccine của Trung Quốc ở mức trung bình, việc gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch có thể gây ra “một cơn sóng thần các ca nhiễm Covid-19” trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 7...
Theo một nghiên cứu mới công bố, Trung Quốc có thể chứng kiến hơn 1,5 triệu ca tử vong do làn sóng dịch Omicron đang diễn ra tại nước này nếu như không có các biện pháp hạn chế phòng dịch và thuốc kháng virus.
XẢY RA "SÓNG THẦN" COVID NẾU KHÔNG KIỂM SOÁT
Làn sóng dịch này bắt đầu hồi tháng 3 với 20 ca nhiễm Omicron và hiện đã lan ra nhiều tỉnh thành phố của Trung Quốc, trong đó nghiêm trọng nhất ở Thượng Hải, theo tờ SCMP.
Nghiên cứu này do các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc tại trường y tế công đồng thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải và Đại học Indiana ở Mỹ, phối hợp thực hiện cùng Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 10/5.
Theo đó, với kịch bản là hiệu quả và độ phủ vaccine của Trung Quốc ở mức trung bình, việc gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch có thể gây ra “một cơn sóng thần các ca nhiễm Covid-19” trong giai đoạn tháng 5 và tháng 7.
Một đợt bùng dịch như vậy được dự báo sẽ khiến gây ra khoảng 112 triệu ca nhiễm có triệu chứng, tương đương tỷ lệ 80 ca trên 1.000 dân, trong đó 2,7 triệu người cần chăm sóc đặc biệt.
Nhóm nghiên cứu ước tính những người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine sẽ chiếm khoảng 74,7% số ca tử vong nói trên. Tính tới giữa tháng 3, có khoảng 52 triệu người trong nhóm tuổi này tại Trung Quốc chưa được tiêm vaccine đầy đủ.
Nếu làn sóng Omicron hiện tại không suy giảm, dù tỷ lệ tiêm vaccine tổng thể là hơn 90% và tỷ lệ tiêm mũi tăng cường là hơn 40% tính tới tháng 3/2022, hệ thống y tế của Trung Quốc sẽ bị quá tải và thiếu hụt đáng kể giường bệnh chăm sóc đặc biệt.
“Theo kịch bản tốt nhất, trong đó tất cả ca nhiễm có triệu chứng được điều trị bằng thuốc kháng virus dạng viên Paxlovid – loại đã được cấp phép tại Trung Quốc, số ca nhập viện cần chăm sóc đặc biệt và số ca tử vong có thể giảm gần 89%”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, để giảm số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt xuống dưới ngưỡng công suất toàn quốc tại Trung Quốc và số ca tử vong xuống tương đương với bệnh cúm mùa hàng năm ở Trung Quốc (khoảng 88.000 người), tỷ lệ tiêm vaccine Covid ở người cao tuổi cần đạt mức 97%. Ngoài ra, khoảng 50% số ca nhiễm có triệu chứng cần được điều trị bằng thuốc kháng virus.
“Về lâu dài, các ưu tiên chính phải là cải thiện hệ thống lưu thông không khí, tăng năng lực chăm sóc đặc biệt và phát triển các loại vaccine mới hiệu quả cao hơn giúp tăng khả năng miễn dịch trong dài hạn”, nhóm nghiên cứu đề xuất.
XÉT NGHIỆM HÀNG LOẠT, PHONG TỎA NGHIÊM NGẶT ĐỂ NGĂN CHẶN TỬ VONG
Trung Quốc đang trải qua đợt bùng dịch Covid tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc năm 2020. Đa số các ca nhiễm Covid hiện tại ở Trung Quốc là ở Thượng Hải – nơi đã áp đặt các biện pháp phong tỏa từng phần từ cuối tháng 3.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mô hình toán học để mô phỏng một làn sóng Omicron giả định ở Trung Quốc dựa trên dữ liệu từ đợt bùng phát ở Thượng Hải.
“Nếu làn sóng Omicron hiện tại không suy giảm, dù tỷ lệ tiêm vaccine tổng thể là hơn 90% và tỷ lệ tiêm mũi tăng cường là hơn 40% tính tới tháng 3/2022, chúng tôi dự báo hệ thống y tế của Trung Quốc sẽ bị quá tải và thiếu hụt đáng kể giường bệnh chăm sóc đặc biệt”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm này cũng ước tính nhu cầu giường bệnh chăm sóc đặc biệt cao nhất có thể lên tới 1 triệu giường, gấp gần 16 lần so với tổng số 64.000 giường hiện tại ở Trung Quốc, gây ra tình trạng thiếu hụt kéo dài 44 ngày.
Chiến dịch tiêm chủng đại trà của Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào các loại vaccine nội do hai công ty Sinopharm và Sinovac sản xuất. Cả hai loại vaccine này đều có tác dụng nhất định trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, theo một đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 1, các loại vaccine này có hiệu quả thấp hơn so với những loại do phương Tây sản xuất.
Tại Thượng Hải, “những nỗ lực cứu sống người dân” trước Omicron đã có những kết quả khả quan với số ca nhiễm mới giảm xuống dưới 5.000 ca một ngày vào đầu tháng 5, so với mức đỉnh 27.700 ca vào giữa tháng 4. Đây là thông tin được 3 nhà nghiên cứu đưa ra trong một lá thư gửi tới tạp chí y khoa The Lancet vào cuối tuần trước.
Ngày 10/5, Thượng Hải ghi nhận 3.014 ca nhiễm mới và liên tiếp giảm trong 17 ngày qua.
Nhóm 3 nhà khoa học nói trên, bao gồm nhà dịch tễ học nổi tiếng Zhang Wenhong, cho biết tỷ lệ tiêm chủng ở những người trên 60 tuổi ở Thượng Hải vẫn ở mức thấp 62%, dù tỷ lệ bao phủ vaccine tổng thể là hơn 90%. Nhóm này cho biết chỉ có 5% số ca tử vong là những người đã được tiêm vaccine.
“Nếu không thực hiện các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt, cách ly và phong tỏa, số người chết và mắc bệnh nghiêm trọng có thể cao ở nhóm người lớn tuổi không tiêm vaccine”, nhóm nhà nghiên cứu cho biết, lấy ví dụ về trường hợp Hồng Kông – nơi ghi nhận số ca tử vong vì Covid trên đầu người cao nhất thế giới trong đợt bùng dịch gần đây.
Theo nhóm này, chiến lược kiểm soát dịch nghiêm ngặt và toàn diện ở Thượng Hải nhằm giảm số lượng người bị nhiễm bệnh, đưa ra chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp cho bệnh Covid-19 nghiêm trọng để có thể giảm thiểu tỷ lệ tử vong, cũng như có thời gian để đạt độ bao phủ vaccine toàn diện.