Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng yếu nhất 2 năm do phong tỏa ở Thượng Hải
Trong tháng 4, cảng Thượng Hải - cảng biển đông đúc nhất thế giới về số lượng container - ghi nhận tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng do các biện pháp phong tỏa phòng dịch Covid...
Theo dữ liệu do Tổng Cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5, kim ngạch xuất nhập khẩu tính bằng đồng USD của nước này chỉ tăng 2,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng trưởng thương mại thấp nhất của nước này kể từ tháng 6/2020. Mức tăng của tháng 3 là 7,5%.
Theo Nikkei Asia, số liệu này cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của các đợt phong tỏa để ứng phó với làn sóng dịch Covid mới nhất tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc.
Từ cuối tháng 3, Thượng Hải đã áp đặt lệnh phong tỏa để phòng chống dịch. Thành phố này là nơi có cảng Thượng Hải – cảng biển đông đúc nhất thế giới về số lượng container. Tháng trước, cảng biển này ghi nhận tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở cảng Thượng Hải. Theo truyền thông địa phương, vào giữa tháng 4, số lượng container được xử lý tại 8 cảng biển lớn nhất Trung Quốc giảm 6% so với năm trước.
Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 4% - thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15% của tháng trước đó. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận chuyển máy tính, điện thoại thông minh… từ nước này.
Các đơn hàng mới từ quốc tế cũng giảm. Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4, chỉ số về đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đạt 41,6 điểm, dưới ngưỡng trung tính 50 điểm. Nguyên nhân chính là nhu cầu sụt giảm tại Mỹ - nơi có chỉ số PMI giảm lần đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, chi phí vật liệu thô tăng cũng tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu.
“Với nhiều công ty xuất khẩu, giá vật liệu tô tăng vọt khiến cho việc xuất khẩu hàng hóa không mang lại lợi nhuận. Vì vậy, họ đang hạn chế nhận đơn hàng”, Li Hua, chủ tịch một công ty thương mại ở Thiên Tân.
Cùng với đó, số lượng đơn đặt hàng được hoàn thành thấp cũng có thể cản trở sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu về dịch vụ hậu cần quốc tế sụt giảm được phản ánh rõ nét ở giá vận chuyển container. Từng chạm các ngưỡng cao kỷ lục hiếm thấy trong suốt đại dịch, mức giá này hiện đã giảm đáng kể. Chỉ số vận chuyển hàng hóa container Ninh Ba (Ningbo Containerised Freight Index), theo dõi giá vận chuyển container ra khỏi cảng Ninh Ba – Chu Sơn, đã giảm 20% từ đầu năm đến nay.
Cuộc chiến tranh tại Ukraine đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động thương mại quốc tế và điều này cũng tác động tới giá cước vận chuyển container.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ mất giá một phần do tăng trưởng kinh tế suy giảm. Từ giữa tháng 4, tiền tệ này đã giảm khoảng 5% so với đồng USD.
Thông thường, đồng nội tệ giảm giá có thể là lợi thế cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các công ty xuất khẩu Trung Quốc khó có thể tận dùng lợi thế này do các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt trong nước.
“Chi phí tăng và tỷ lệ công suất nhà máy giảm do biện pháp phòng chống dịch đang là các vấn đề nghiêm trọng. Khó có thể nói rằng việc đồng Nhân dận tệ giảm giá mang lại hiệu ứng tích cực”, Li nói.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 3 và tháng 4 của Trung Quốc không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dữ liệu này không bao gồm dầu thô – mặt hàng có giá tăng mạnh thời gian gần đây.
Nếu không tính mặt hàng xăng, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 7% trong tháng 4 và giảm 3% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất cũng giảm do hoạt động hậu cần bị gián đoạn. Tương tự, nhập khẩu mỹ phẩm và đồ dùng hàng ngày cũng giảm. Các xu hướng này cho thấy nhu cầu nội địa suy yếu trong bối cảnh thị trường việc làm xấu đi tại Trung Quốc.
Tuy vậy, hoạt động giao thương của Trung Quốc với Nga đã tăng 17% về giá trị trong tháng 4. Mức tăng của tháng trước đó là 13%. Nga hiện là mục tiêu của hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của Nhật Bản và nhiều nước phương Tây.
Trong tháng 4, kim ngạch nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc tăng 57%, với khoảng một nửa là dầu thô.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Nga của Trung Quốc giảm 26%, nhiều hơn đáng kể so với mức giảm 8% của tháng 3. Nguyên nhân có thể là các biện pháp trừng phạt tài chính với Nga đã gây ra gián đoạn trong khâu thanh toán.