Nghiên cứu mở rộng đường Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Đoạn Cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận cần được cấp thiết nghiên cứu mở rộng, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển lưu thông ngày càng cao…
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án 7 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng đường bộ Cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, Ban Quản lý dự án 7 có nhiệm vụ làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, các kết quả nghiên cứu trước đây liên quan đến các dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận; tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình thực hiện; rà soát hồ sơ, tài liệu các dự án đầu tư giai đoạn 1 để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, vướng mắc.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và các cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Ban Quản lý dự án 7 để triển khai thực hiện.
Song song đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án 7 thông báo, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất dự án (lưu ý nội dung liên quan đến chi phí, rủi ro khi đề xuất dự án không được lựa chọn); xây dựng phương pháp đánh giá, tiếp nhận và tổ chức đánh giá để lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất theo quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Điều 83 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định có liên quan.
Về kinh phí thực hiện tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn được giao theo quy định; thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến năm 2025.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, được đưa vào khai thác từ năm 2010 và tổ chức thu phí từ năm 2011. Sau đó được bán quyền thu phí trong giai đoạn 2014 - 2018. Từ đầu năm 2019 tới nay, tuyến cao tốc này không thu phí.
Sau hơn 12 năm hoạt động, lưu lượng phương tiện trên tuyến đã đạt 50.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên gặp ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngoài ra, khả năng thông hành của tuyến cũng đã không còn đảm bảo, khi tốc độ lưu thông thực tế chỉ đạt 60-70km/h (so với thiết kế là 100-120 km/h).
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) với tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỉ đồng, đưa vào khai thác từ tháng 4/2022. Đường có quy mô dài 51,5km, bốn làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m, không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m). Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có tốc độ tối đa 80 km/h, tuy nhiên với các làn dừng khẩn cấp không liên tục, chỉ cần một sự cố va chạm đã đủ để tạo ra ùn tắc kéo dài.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cần sớm mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 120 km/h. Đối với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cần tiến hành mở rộng trong giai đoạn 2 với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100km/h.