Nhật Bản trong "cơn khát" lao động
Tại Nhật, khả năng bù đắp cho sự sụt giảm lao động nhờ sự trở lại nữ giới và người già (ngoài độ tuổi lao động) gần như đã đạt đỉnh điểm...
Theo một khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, lượng người trên 15 tuổi “thất nghiệp và đang không tìm việc làm nhưng vẫn hy vọng sẽ có việc làm” đã giảm xuống còn 2,33 triệu người trong năm 2023, ít hơn 2,97 triệu người so với 20 năm trước.
Cộng với 1,78 triệu người thất nghiệp đang tìm việc, Nhật có tổng cộng 4,11 triệu lao động tiềm năng, chiếm 3,7% dân số trên 15 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ bằng một nửa so với mức 8% của năm 2003.
Tình trạng thiếu lao động ở Nhật thể hiện rõ nhất qua mức lương theo giờ. Theo số liệu của Viện Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản, trong quý 4/2023, mức lương theo giờ dành cho lao động bán thời gian ở Nhật đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lương lớn nhất kể từ năm 2015, không tính giai đoạn đại dịch Covid-19 và cao hơn mức tăng 1% dành cho lao động toàn thời gian.
Theo Viện Dân số và Nghiên cứu An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản, dân số trong độ tuổi lao động nước này (từ 15-64 tuổi) năm 2023 đã giảm 15% so với mức đỉnh năm 1995. Trong khi đó, đường cong hình chữ M – thể hiện sự suy giảm việc làm nhóm nữ giới ngoài 30 tuổi do kết hôn và sinh đẻ – gần như đã biến nhất tại Nhật Bản.
“Khả năng bù đắp cho sự sụt giảm lao động nhờ sự trở lại nữ giới và người già (ngoài độ tuổi lao động) gần như đã đạt đỉnh điểm”, ông Munehisa Tamura của Viện Nghiên cứu Daiwa, nhận định.
Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Arthur Lewis từng chỉ ra khái niệm "điểm tới hạn" mà ở đó lao động thặng dư ở nông thôn được hấp thụ hoàn toàn trong lĩnh vực công nghiệp. Áp lực tăng lương sẽ gia tăng sau "điểm tới hạn" này.
Các nhà kinh tế cho rằng Nhật Bản đã trải qua "điểm tới hạn" như khái niệm của ông Lewis vào những năm 1960. Giờ đây, họ đang đối mặt một "điểm tới hạn" tương tự, nhưng thay vì lao động nông thôn, nhóm lao động thặng dư là nữ giới và người cao tuổi.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược. Trong các thập kỷ tăng trưởng yếu trước đây, lãi suất cho vay thấp quanh mốc 0% và sự tham gia nhiều hơn của nữ giới và người cao tuổi vào lực lượng lao động từng giúp doanh nghiệp nước này duy trì mức chi phí hoạt động thấp. Nhờ đó, kể cả những doanh nghiệp có lợi nhuận kém cũng có thể tồn tại. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng trước, áp lực đối với những doanh nghiệp như vậy tăng lên. Nếu mức lương cho lao động bán thời gian tiếp tục tăng, những doanh nghiệp lợi nhuận kém nhiều khả năng sẽ bị khai tử.
Theo các nhà phân tích, năng suất lao động tăng lên, sự dịch chuyển việc làm cùng sự tham gia của lao động nước ngoài có thể giúp doanh nghiệp Nhật giải quyết khó khăn.
Công ty Mitsubishi UFJ Research and Consulting ước tính tới năm 2035, Nhật sẽ thiếu gần 8 triệu lao động so với mức cần thiết để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng 0,5% mỗi năm. Công ty này ước tính chỉ cần năng suất lao động tăng lên 1 điểm phần trăm mỗi năm cũng có thể giúp bù đắp cho 70% lượng lao động thiếu hụt. Nếu vậy, năng suất lao động phải tăng khoảng 20% so với năm 2021. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ khác, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, giải phóng người lao động cho các công việc như nghiên cứu, phát triển và các nhiệm vụ tạo giá trị khác.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu đi theo hướng này. Đầu tháng 4, thành phố Osaka đã bắt đầu thí điểm cho phép khoảng 20.000 người lao động sử dụng AI tạo sinh (generative AI) để thực hiện các nhiệm vụ như dịch thuật hoặc chuẩn bị biên bản cuộc họp.
“Chúng tôi muốn họ tập trung vào các công việc mang tính con người và mang lại nhiều giá trị hơn”, một quan chức thành phố Osaka cho biết.