Những đồng phục đội tuyển Olympic vừa hé lộ đã gây tranh cãi
Thế vận hội mùa hè 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8 tại Paris. Pháp mới đây đã tung mẫu đồng phục cho khoảng 1.400 thành viên của đoàn Olympic và Paralympic Pháp để diễu hành dọc bờ sông Seine trong trong ngày khai mạc…
Có vẻ như thể thao không phải là điều duy nhất chúng ta chú ý đến tại Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024 ở Paris vào mùa hè này. Các thương hiệu thời trang đang tranh giành tiếng nói khi giới thiệu những bộ trang phục cho những người đại diện quốc gia trong các môn thể thao sắp tới. Tất nhiên, họ không thể cướp đi sự chú ý của chính các vận động viên hay những tấm huy chương, nhưng giới mộ điệu không thể không chú ý đến tác phẩm của các nhà thiết kế nổi tiếng cho sự kiện lừng lẫy này.
Theo Vogue, nước chủ nhà đã đầu tư kỹ lưỡng về thời trang cho màn ra mắt tại sự kiện. Các thiết kế do Carine Roitfeld, cựu biên tập viên Vogue Pháp chỉ đạo, phối hợp nhà mốt Berluti và tập đoàn xa xỉ LVMH thực hiện. Đó là những set tuxedo màu xanh nước biển với ve áo ombre ánh hồng. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận xét những set tuxedo sang trọng, được may đo tỉ mỉ này có thể so sánh với đồng phục của các tiếp viên hàng không.
Thực tế, nhiều người ngạc nhiên khi LVMH chọn Berluti giữa những cái tên như Louis Vuitton, Dior, Givenchy hay Kenzo. Antoine Arnault, giám đốc phụ trách dự án của LVMH ở Thế vận hội, nói với Vogue: "Berluti là nhà mốt Italy chuyên thiết kế theo đơn đặt hàng riêng. Do đó có khả năng trang bị đầy đủ cho một vận động viên bơi lội, một cầu thủ bóng rổ hoặc một vận động viên thể dục những bộ trang phục phù hợp với họ nhất".
Các chuyên gia đánh giá đồng phục mang nét mới mẻ với màu xanh hải quân đặc trưng trên quốc kỳ Pháp, nhấn vào ve áo chuyển màu. Bà Carine Roitfeld cho biết cả nhóm muốn tạo ra bộ cánh cổ điển hơn, sang trọng cho những khoảnh khắc đặc biệt nên nghĩ tới Le Smoking - bộ suit kinh điển của huyền thoại Saint Laurent. Trang phục kết hợp giày lười mang phong cách dạo phố của thời trang Pháp do Stéphane Ashpool thiết kế.
Tuy nhiên, trang phục chào sân của tuyển quốc gia Pháp cũng nhận về một số ý kiến chỉ trích, chủ yếu đến từ việc trang phục của nam giới có vai vuông, tay áo dài, còn bộ tuxedo của vận động viên nữ lại không có tay. Khán giả cho rằng đồng phục của đội tuyển Pháp thể hiện sự phân biệt giới tính, làm mất đi tinh thần bình đẳng trong thể thao, theo The Independent. Trong khi một số dành lời khen ngợi cho chất liệu vải cao cấp, đường cắt may tinh tế, nhiều người đặt câu hỏi về quyết định loại bỏ tay áo khỏi set tuxedo của vận động viên nữ. “Tay áo chỉ dành cho nam giới thôi sao?”, người dùng mạng xã hội để lại bình luận trên trang của Berluti.
Trước đó, hãng tài trợ trang phục cũng vừa công bố mẫu đồng phục dành cho các vận động viên điền kinh Mỹ ở Olympic Paris 2024. Tuy nhiên, ngay lập tức nó đã tạo nên làn sóng chỉ trích kịch liệt từ báo chí và các nữ vận động viên Mỹ. Nữ vận động Colleen Quigley bình luận: "Mọi người thi đấu cho đội tuyển Mỹ đều xứng đáng có một bộ đồng phục mà họ cảm thấy thoải mái khi mặc. Nhưng trang phục ở Olympic Paris lại khiến mọi người không thoải mái. Chúng tôi đi thi đấu chứ không phải biểu diễn".
Cụ thể, trang phục cho vận động viên nam bao gồm short dài ngang đùi và áo ba lỗ. Trong khi đó, đồng phục của nữ giới lại có thiết kế liền thân tương đối giống set bikini thông thường hoặc trang phục 2 mảnh bao gồm quần tam giác để lộ nhiều da thịt hơn. Theo cựu vận động viên chuyên nghiệp Lauren Fleshman, nữ giới có thể cảm thấy không thoải mái khi thi đấu trong bộ đồng phục hở hang. Họ phải liên tục kiểm tra trang phục, tránh tạo ra tình huống hớ hênh trước khán giả và đảm bảo an toàn cho các bộ phận dễ bị tổn thương trên cơ thể.
Trước phản ứng trái chiều từ phía công chúng, Nike, đơn vị sản xuất đồng phục cho đội tuyển điền kinh Mỹ, xác nhận với Reuters rằng thương hiệu thời trang thể thao này sẽ đem đến nhiều lựa chọn hơn cho các vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic. Ngoài ra, các vận động viên nữ cũng có thể kết hợp những món đồ thời trang khác nhau khi thi đấu, đảm bảo sự thoải mái và tự tin trong quá trình này. Cựu vô địch nhảy sào thế giới Katie Moon cũng đồng tình: "Tôi yêu những người đứng lên vì phụ nữ, nhưng chúng ta có ít nhất 20 cách để phối đồ khác nhau lên bộ đồng phục này".
Ngoài Pháp, một số đội tuyển đã tung ra đồng phục chính thức. Trong đó, đội tuyển Australia giới thiệu mẫu quần áo mang hơi hướng học đường, họa tiết ombre xanh lá cây và vàng lấy cảm hứng từ hoàng hôn mùa hè ở Paris do Sportscraft phối hợp Ủy ban Olympic Australia thiết kế. Áo khoác, váy và quần short làm từ vải co giãn, kết hợp với giày đặt làm riêng của Volley. Lần đầu tiên lời thề của vận động viên Olympic nước này được thêu ở túi trong của mỗi chiếc blazer. Bức họa Walking Together của võ sĩ quyền Anh Paul Fleming và tác phẩm Ngalmun Danalaig của nghệ sĩ David Bosun được in trên khăn quàng cổ và túi. Theo Guardian, những phụ kiện này là phần đẹp nhất của bộ đồng phục.
Nếu Berluti làm trag phục cho đội tuyển Pháp, thì Prada công bố mối quan hệ hợp tác chính thức với Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Trung Quốc. Trong một thông cáo báo chí, Prada cho biết: “Đội tuyển bóng đá nữ Trung Quốc đã tạo dựng được danh tiếng toàn cầu và là nguồn cảm hứng cho các vận động viên nữ trẻ, tập trung sự chú ý của công chúng và tổ chức vào một môn thể thao dân chủ và toàn diện”. Đồng phục cho Thế vận hội, dựa trên cảm hứng từ năm con Rồng, có thể sẽ là các trang phục màu đen, xanh lam và đỏ tại các sự kiện năm nay.
Thị trường trang phục thể thao gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, đạt giá trị thị trường là 185,9 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt mức định giá 356 tỷ USD vào năm 2032, theo một báo cáo từ công ty dữ liệu và thông tin LaunchMetrics. Sự gia tăng định giá của ngành trang phục thể thao được cho là do sự tập trung vào sức khỏe và thể lực sau đại dịch cũng như việc thể thao đang dần trở thành xu hướng thời trang thống trị.
“Trang phục thể thao từ lâu đã không còn bị giới hạn trong lĩnh vực biểu diễn và hoạt động thể thao; nó đã len lỏi và dần xuất hiện trong tủ đồ trang phục hàng ngày, chủ yếu bởi chức năng đa dạng, sự thoải mái trong phom dáng và chất liệu cũng như phong cách phóng khoáng của nó,” Michael Jaïs, Giám đốc điều hành của Launchmetrics, cho biết trong báo cáo.
Báo cáo cũng dự đoán rằng sự hợp tác trong tương lai giữa các thương hiệu xa xỉ và thời trang đường phố có thể giúp thị trường đồ thể thao tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Đối với các thương hiệu xa xỉ, chỉ riêng dòng giày thể thao đã đóng góp tới 30,2% tác động truyền thông, là minh chứng cho mức độ phổ biến ngày càng tăng của những cái bắt tay giữa các thương hiệu trong tương lai. Báo cáo nêu rõ: “Những sự hợp tác này mang lại tiềm năng to lớn cho các thương hiệu để tối đa hóa lợi tức đầu tư và đạt được mức độ phổ biến rộng rãi cũng như tiếp cận đối tượng tiềm năng mới”.