Những điểm đáng chú ý trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được thông qua
Sáng 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) bao gồm 09 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025. Kết quả, có 388/450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 79,84%); 32/450 đại biểu không tán thành (chiếm 6,58%); 30/450 đại biểu không biểu quyết (chiếm 6,17%).
Nghiêm cấm điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tại Kỳ họp thứ 6, đa số ĐBQH nhất trí với quy định này và một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất. Tại kỳ họp này, ngày 21/6/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng Phiếu xin ý kiến (qua App), có 388 ĐBQH cho ý kiến, kết quả: có 60,16% tổng số ĐBQH nhất trí với quy định này.
Bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
Trừ điểm Giấy phép lái xe
Một trong những quy định hoàn toàn mới của Luật Trật tự ATGT đường bộ nhận được sự chú ý đó là các điều khoản về điểm trừ giấy phép lái xe (GPLX). Đây là lần đầu tiên nước ta luật hóa điểm của GPLX.
Điều 58 của Luật quy định: điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ của người lái xe, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người đó không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép đã bị trừ hết điểm.
Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT theo quy định.
Việc kiểm tra kiến thức do lực lượng CSGT tổ chức, người có GPLX có kết quả đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc trừ điểm không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về ATGT sẽ giao cho CSGT.
Quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô
Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Theo đó, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Điều này có nghĩa là trẻ em dưới 10 tuổi sẽ không được ngồi ghế trước ô tô.
Tại đây, cũng cần lưu ý, quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh, chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ trên xe
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Sử dụng một phần tiền xử phạt để đảm bảo ATGT
Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí trên cơ sở tuân thủ pháp luật về ngân sách nhà nước để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, theo Điều 4 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Theo đó, sẽ bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự ATGT theo quy định của Chính phủ.
Cho phép đấu giá biển số xe máy, giá khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua, biển số mô tô, xe máy sẽ được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm không thấp hơn 5 triệu đồng.
Bộ luật mới được Quốc hội thông qua với gần 80% đại biểu biểu quyết tán thành. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng triển khai, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tham gia giao thông và thực hiện các thủ tục hành chính.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nêu rõ: Biển số xe đưa ra đấu giá là biển số ô tô, mô tô và xe máy. Như vậy, biển số của xe máy chính thức được phép đưa lên sàn đấu giá.
Hiện nay, Nghị quyết thí điểm chỉ cho phép đấu giá biển số của ô tô.
Ngoài ra, theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, đối với biển số ô tô, ngoài biển có nền trắng, chữ và số màu đen đang được đấu giá như hiện hành, luật mới cũng cho phép đấu giá biển số màu vàng, chữ và số màu đen (cấp cho xe kinh doanh vận tải).
Giá khởi điểm được quy định của một biển số ô tô không thấp hơn 40 triệu đồng; giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy không thấp hơn 5 triệu đồng.
Số tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá.
Tới năm 2026, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có hiệu lực, nếu muốn đưa nội dung đấu giá biển số xe vào trong luật sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian. Do vậy, cơ quan soạn thảo luật đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung nội dung về đấu giá biển số vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025. Riêng quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.