Nội lực, ngoại lực: Hiện trạng và vấn đề
Khái niệm nội lực, ngoại lực đã được đưa vào Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (Đại hội VII) từ năm 1994, với quan hệ “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”...
Tăng cường, phát huy nội lực, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tận dụng ngoại lực hiệu quả, kịp thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước.
Trong hơn 30 năm qua, cả nội lực và ngoại lực đều lớn lên. Tuy vậy bài viết này chỉ lấy các chỉ số 10 năm trở lại đây, từ năm 2010 (từ khi GDP đánh giá lại) đến năm 2023 để so sánh.
HIỆN TRẠNG CỦA NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC
Hiện trạng quan hệ nội lực, ngoại lực được nhận diện dưới góc độ khác nhau.
Thứ nhất, nội lực (kinh tế trong nước), năm 2023 so với năm 2010 về chỉ tiêu (hình 1). Đó là kết quả của công cuộc đổi mới ở trong nước, có tác động khai thác nguồn lực của các thành phần kinh tế, tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.
Tuy nhiên, số lao động đang làm việc bị giảm, do dân số tăng chậm lại và do sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút số lao động vào làm việc là một trong những mục tiêu quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, còn do công nghiệp hỗ trợ còn yếu, do sự lan tỏa, kết nối giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ngoại lực) có tốc độ tăng trưởng khá cao. So sánh năm 2023 với năm 2010 của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như sau (hình 2).
Đây là kết quả của quá trình mở cửa, hội nhập để thu hút vốn, giải quyết công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, đổi mới kỹ thuật – công nghệ, quản lý. Tốc độ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều cao hơn hẳn của khu vực kinh tế trong nước là vấn đề đáng quan tâm. Đặc biệt, trong khu vực này tốc độ tăng về GDP cao gấp nhiều lần tốc độ tăng số lao động.
Thứ hai, nhờ kết hợp giữa nội lực và ngoại lực đã góp phần thu hút vốn đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, xuất, nhập khẩu hàng hóa... (hình 3).
Nếu năm 2010 GDP mới đạt 140,5 tỷ USD, thì năm 2023 đạt 430 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp, đến năm 2008 đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người tương ứng tăng từ 116,4 USD lên 428,4 USD; bình quân 1.000 dân năm 2010 mới có 0,3 doanh nghiệp, thì năm 2023 đạt gần 0,94 doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2010 mới đạt 72,24 tỷ USD, thì năm 2023 đạt 355,5 tỷ USD, bình quân 1 người tăng từ 829,7 USD lên 3.544,4 USD…
Thứ ba, về quan hệ giữa nội lực và ngoại lực. Sau 13 năm cả nội lực và ngoại lực cùng lớn lên điều này gần như là đương nhiên qua thời gian. Vấn đề đặt ra là quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, đây là nội dung quan trọng nhất, chủ ý chủ yếu của chủ trương “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Sau 13 năm nhìn lại, nội lực có đúng là quyết định chưa, ngoại lực có đúng là quan trọng chưa, còn vấn đề gì trong mối quan hệ này? Cần phải xét quan hệ này trên một số chỉ tiêu chủ yếu.
Về lao động, số lượng và tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực kinh tế trong nước cao hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2000 là 99% so với 1%; đến năm 2022 là 90% so với 10%); còn số lượng và tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy có tăng lên, nhưng số lượng lại ít hơn nhiều.
Tỷ trọng số lao động đang làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, còn khu vực trong nước giảm. Điều đó chứng tỏ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với việc giải quyết công ăn việc làm.
Xét về lượng thì trong quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, không ai là không cho nội lực là quyết định, bởi có ưu thế là số lượng lao động đông, giá nhân công rẻ. Ngoại lực là quan trọng bởi góp phần giải quyết công ăn việc làm có số lượng và tỷ trọng tăng. Song cần nhìn nhận, mục tiêu của các ông chủ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều nhắm đến giá nhân công rẻ này (mặc dù nhiều dự án báo cáo lỗ liên miên do cách hạch toán và chuyển giá). Trong khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 chỉ đạt 11.224 nghìn đồng, thấp hơn mức 15.281 nghìn đồng của doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, giá nhân công rẻ - ưu thế của Việt Nam - đã được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lấy làm lợi thế trong sản xuất, xuất khẩu.
Về vốn đầu tư, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực vốn đầu tư trong nước năm 2010 ở mức khá (trên 20%); năm 2022 chiếm 16,2%, thấp hơn năm trước, trong khi vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao hơn (hình 4).
Lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đến hết năm 2023 đạt 569,4 tỷ USD, thực hiện đạt 302,7 tỷ USD, trong đó năm 2023 tương ứng đạt 36 tỷ USD và 23,16 tỷ USD.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU TRONG KHU VỰC DOANH NGHIỆP
Trong khu vực doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, quan hệ giữa nội lực và ngoại lực về một số chỉ tiêu chủ yếu có một số điểm đáng lưu ý sau.
Về số doanh nghiệp, khu vực kinh tế trong nước vẫn giữ vai trò quyết định, khi tỷ trọng số doanh nghiệp của khu vực này cao hơn (96,9% năm 2022 so với 96,4% của năm 2000), còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tỷ trọng thấp và giảm (3,1% so với 3,6%), nhưng vẫn có vai trò quan trọng về nhiều chỉ tiêu khác, nhờ có quy mô lớn, có kỹ thuật – công nghệ cao hơn, có lượng vốn khá hơn, tiêu thụ tốt hơn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam