Nóng cuộc đua giao hàng hỏa tốc 24 giờ với chi phí siêu rẻ ở Đông Nam Á
Tech Wire Asia đã phỏng vấn Giám đốc Điều hành Pete Chareonwongsak về tiềm năng và thách thức của dịch vụ giao hàng hỏa tốc tại Đông Nam Á, cho biết hầu hết các đối thủ đều rời đi tới khu vực khác quy mô lớn hơn, nhưng Teleport sẽ không bao giờ rời bỏ vì được “sinh ra và lớn lên” tại thị trường này…
Trong bối cảnh nhộn nhịp của ngành hậu cần Đông Nam Á, Teleport có nhiều tiềm năng trở thành công cụ thay đổi cuộc chơi, phấn đấu đạt mục tiêu giao hàng chỉ trong 24 giờ hoặc ngay ngày hôm sau với chi phí thấp. Với tư cách là bộ phận hậu cần thuộc Capital A Bhd (công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực AirAsia), Teleport mong muốn thay đổi hoàn toàn hiện trạng của ngành.
Tuy nhiên, xét tới nền kinh tế mở rộng nhanh chóng và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của khu vực, câu hỏi quan trọng được đặt ra: liệu Teleport có thể thực sự cách mạng hóa dịch vụ giao hàng tại Đông Nam Á không?
Khả năng tăng trưởng của Teleport rất ấn tượng. Công ty đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện trên nhiều thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung, bao gồm Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Singapore và Trung Quốc. Chiến lược mở rộng đã cho phép Teleport thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử đang phát triển vượt bậc trong khu vực, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ giao hàng liền mạch và hiệu quả.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Tech Wire Asia, ông Pete Chareonwongsak, Giám đốc Điều hành Teleport, đã chia sẻ sâu sắc về cách công ty đang đổi mới toàn diện nhằm giải quyết những thách thức trong tương lai của ngành.
Ông nhận xét thế nào về ngành logistics Đông Nam Á trong bối cảnh nhu cầu giao hàng nhanh hơn, rẻ hơn ngày càng tăng?
Tôi nghĩ chúng ta không có đủ công ty logistics Đông Nam Á để phục vụ người dân. Khi nói đến dịch vụ hậu cần tại Đông Nam Á, những cái tên thường xuất hiện hàng đầu là J&T và Ninja Van. J&T ban đầu thành lập tại Indonesia và được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tài trợ, vì vậy hãng đã mở rộng đến hơn 90% hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc chứ không phải Đông Nam Á. Có thể nói, J&T chưa bao giờ thực sự được sinh ra và lớn lên ở đây.
Điều này cũng đúng với Ninja Van, bắt đầu ở Singapore và mở rộng sang tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng hãng nhận được tài trợ từ quỹ vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu.
Đó là lý do tại sao tôi luôn cảm thấy chúng tôi, Teleport, có cơ hội thay đổi ngành vì chúng tôi sinh ra và lớn lên ở Đông Nam Á. Huyết mạch, cơ sở hạ tầng và mọi hoạt động liên quan của chúng tôi đều ở đây; chúng tôi sẽ không bao giờ rời đi.
Sự hiểu biết của tôi về ngành logistics ở Đông Nam Á là nhiều công ty lớn đã đến rồi đi: trọng tâm của họ bắt đầu từ đây nhưng cuối cùng lại chuyển sang khu vực khác. Sứ mệnh của chúng tôi là kết nối Đông Nam Á tốt hơn bất kỳ đối thủ nào, đặc biệt trong dịch vụ giao hàng hỏa tốc ngay ngày hôm sau.
Theo ông, Teleport đã khẳng định được vị trí trên thị trường hiện tại hay chưa?
Còn rất nhiều điều phải chứng minh để khẳng định sự hiện diện của chúng tôi. Dựa trên số liệu thống kê, chúng tôi có thể tiếp cận khoảng 5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có quy mô cụ thể trong khu vực và cấp cho họ quyền truy cập vào dịch vụ của chúng tôi. Nhiều chuyên gia luôn nói về cơ hội dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á, nhưng cuối cùng nhận ra dòng tiền không phát sinh ở nhóm đối tượng này. Nhưng cơ hội là rất rõ ràng. Chúng tôi hiện phục vụ tối đa 10.000 khách hàng, nhưng có tới 5 triệu SME đang hoạt động trong khu vực. Chúng tôi còn một chặng đường dài phía trước.
Ông có thể cho biết tại sao nhiều công ty logistics khác thường xuyên mở rộng ra ngoài Đông Nam Á?
Vấn đề lớn nhất tại Đông Nam Á chính là quy mô tổng thị trường. Đó là lý do tại sao nhiều công ty rời đi, không thể phủ nhận rằng có rất nhiều thị trường lớn hơn đang tồn tại ở những khu vực khác. Vì vậy, tại một thời điểm nào đó, khi nhận được tài trợ hoặc đặt mục tiêu phát triển vượt bậc, các công ty cần đi tìm thị trường rộng lớn hơn để chứng minh khả năng tiếp cận và tăng trưởng. Điều đó khiến một vài công ty từng tập trung vào thị trường Đông Nam Á khó có thể ở lại. Luôn luôn xuất hiện điều gì đó thu hút hơn, ở một nơi khác.
Chúng tôi có sự hiểu biết về khu vực mà một số công ty khác còn thiếu, đồng thời mọi cống hiến và tập trung của chúng tôi đều ở đây. Chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội mà nhiều đối thủ khác chưa khám phá ra, việc họ tìm kiếm một thị trường khác là hợp lý. Nhưng nếu không ai theo đuổi mục tiêu như chúng tôi đang hướng tới, kết nối Đông Nam Á theo cách rẻ hơn, nhanh hơn và tốt hơn thì các SME sẽ không bao giờ có cơ hội phát triển lâu dài.
Nhiều thương hiệu, sàn thương mại điện tử và thậm chí cả nhà điều hành chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á chưa bao giờ thực sự có lý do để thúc đẩy khả năng phát triển. Họ luôn phải chạy theo thị trường. Vì vậy, chúng tôi phải tìm ra một số góc độ để phục vụ họ tốt nhất.
Giao hàng vào ngay hôm sau với chi phí siêu rẻ là một đề xuất táo bạo. Teleport sẽ làm gì để đạt mục tiêu?
Nếu bạn xem xét ba lý do hàng đầu khiến người dùng sẵn sàng sử dụng dịch vụ giao hàng hỏa tốc, thì thứ nhất là giá cả, thứ hai là độ tin cậy và thứ ba là tốc độ. Bạn phải đảm bảo cả ba yếu tố này. Mặc dù rất khó khăn, nhưng đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Chúng tôi nỗ lực tìm giải pháp: Làm thế nào để giảm chi phí thực tế xuống? Sau khi đã giảm chi phí, chúng tôi có thể kiếm tiền bằng cách nào?
Quan điểm của chúng tôi khá đơn giản: cách tốt nhất để giảm chi phí đó là không bắt đầu mô hình kinh doanh bằng cách mua sắm đầu vào quá nhiều. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là làm cách nào để xây dựng mô hình kinh doanh gần như không cần sở hữu bất cứ tài sản nào ban đầu? Mấu chốt quan trọng nhất của dịch vụ giao hàng ngay hôm sau là gửi hàng giữa hai biên giới. Làm thế nào để vận chuyển hàng hóa chỉ trong ngày hôm sau? Rõ ràng, hàng hóa phải đi máy bay.
Vậy làm cách nào để đưa đồ lên máy bay? Chỉ có hai cách. Một là mua một lượng máy bay nhất định và FedEx, DHL hay UPS đã mua hàng trăm máy bay như thế. Các hãng này đã có được một số thành tựu trên thị trường và nếu muốn gia nhập cuộc chơi, chúng tôi phải cạnh tranh bằng giải pháp chi phí tốt hơn.
Nhưng những cách khác để đưa đồ lên máy bay là gì? Chà, mỗi giờ có hàng trăm máy bay cất cánh đi khắp nơi, trong mỗi máy bay đó còn một chút không gian sót lại. Làm thế nào để chúng tôi tiếp cận được không gian đó trên khắp Đông Nam Á? Chúng tôi cần thiết lập mối quan hệ đối tác và đó là cơ hội để AirAsia xuất hiện. Đây chính là cách chúng tôi xây dựng hoạt động kinh doanh từ nền tảng của AirAsia, mang lại mạng lưới vận tải hàng không rộng khắp Đông Nam Á. Về cơ bản, quá trình trở nên dễ dàng hơn nhiều khi không sở hữu bất kỳ máy bay nào.
Theo ông, công nghệ đóng vai trò như thế nào cho sự chuyển đổi của ngành hậu cần?
Quan điểm của tôi trong năm nay là giảm tốc độ tăng trưởng một chút, điều này khiến các bên liên quan khá sốc. Nhưng nếu chúng ta không xây dựng nền tảng với công nghệ phù hợp thì sẽ không thể tiến xa. Vì vậy, đây là năm mà chúng tôi sẽ nỗ lực tìm ra giá trị của Gen AI hoặc bất kỳ giải pháp AI nào đối với hoạt động cốt lõi của hãng.
Ông dự đoán thế nào về bối cảnh cạnh tranh dịch vụ hậu cần?
Thứ nhất, trong khu vực có rất nhiều hãng hàng không giá rẻ đang nỗ lực cải thiện hoạt động kinh doanh. Giống như cách Teleport xây dựng công ty dựa trên sự hỗ trợ của AirAsia, nhiều hãng hàng không giá rẻ khác cũng sẽ làm điều tương tự – tách hoạt động kinh doanh hậu cần ra khỏi hoạt động hàng không.
Ngay cả ở Trung Quốc và Mỹ Latinh, nhiều ông lớn trong ngành cũng đã bắt đầu chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh hậu cần. Vì vậy, góc độ đa phương thức (phát triển đa dạng dịch vụ) sẽ là xu hướng thiết yếu trong tương lai.