Nông dân Sơn La sẽ livestream bán nông sản trên nền tảng số
Nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh Sơn La đã được đăng ký nhãn hiệu, gây dựng được thương hiệu trên thị trường cả nước...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm nay, thời tiết thuận lợi, với diện tích trồng xoài vào khoảng 19.026 ha sẽ cho sản lượng thu hoạch 65.223 tấn với thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Đối với trái nhãn, hiện diện tích trồng 19.224 ha, sản lượng ước đạt 98.500 tấn, thời điểm thu hoạch sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9.
Mọi năm, sản phẩm xoài, mận, nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: VinMart, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, xoài, nhãn đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc… Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến việc tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Phía địa phương xác định ngoài thị trường xuất khẩu cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Hiện Sơn La cũng đã xây dựng các kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể như: tăng cường phòng chống dịch, khử trùng đối với các xe vận chuyển nông sản ra vào tỉnh. Người dân trong vùng trồng, các đơn vị thu mua cũng đảm bảo công tác phòng chống dịch….", đại diện UBND tỉnh Sơn La cho biết.
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, mới đây, UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, sàn thương mại điện tử Shopee, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn thương mại điện tử Postmart) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Theo đó, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của Sơn La cũng chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee và được phân phối tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kênh này để hỗ trợ các địa phương với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên đối với Sơn La, ông Phú nhận định, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream được đánh giá là phù hợp và hiệu quả hơn thương mại điện tử. “Bán hàng trên kênh thương mại điện tử sẽ liên quan đến các vấn đề bao gói, bảo quản, làm thương hiệu sau thu hoạch... Trong khi đó, tại Sơn La chủ yếu các trang trại, HTX còn yếu khâu này. Hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream sẽ phù hợp với điều kiện của người nông dân,” ông Phú nói.
Sắp tới, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của Sơn La hỗ trợ các hợp tác xã, chủ trang trại… đẩy mạnh phân phối qua kênh livestream trên các nền tảng số. Đây là một hoạt động mới của Cục Xúc tiến Thương mại nhằm giúp các đầu mối cung ứng hàng nông sản Sơn La tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với thị trường tiêu dùng theo xu hướng mới.
Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch, Cục đang từng bước hướng dẫn doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
Cục Xúc tiến thương mại phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, từng bước hướng dẫn bà con nhập liệu vào nhật ký canh tác. Mã QR được gắn ở cổng vào, định kỳ chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phun trừ sâu đều được các HTX và các hộ canh tác nhập liệu, phục vụ cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm.